Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2022
Ngày 29.7.2022 Người được ủy quyền công bố thông tin Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) Nguyễn Bá Tùng đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo tài chính 6 tháng năm 2022 của Công ty Mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của toàn Tập đoàn.
Các báo cáo tài chính được lập theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Việt Nam tại Thông tư 200-202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính và các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung tại Việt Nam.
Cùng ngày các báo cáo nói trên cũng đã được đăng tại website public www.petrolimex.com.vn, chuyên mục “Nhà đầu tư” và “Minh bạch xăng dầu”.
I/ Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2022 của Petrolimex như sau:
1/ Tổng doanh thu thuần hợp nhất (của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, …) là: 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biến động giá dầu, cụ thể:
- Giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng năm 2022 là 101 USD/thùng, tăng 64% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng năm 2021 là 62 USD/thùng).
- Giá thành phẩm các mặt hàng xăng, dầu bình quân 6 tháng năm 2022 là 133 USD/thùng, tăng 91% so với cùng kỳ (giá bình quân 6 tháng năm 2021 là 70 USD/thùng) do đặc thù giai đoạn vừa qua Crack giữa dầu thô và dầu thành phẩm có biên độ rất lớn.
2/ Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 293 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch và bằng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó:
(a) Kinh doanh xăng dầu: Lợi nhuận trước thuế lỗ (-) 595 tỷ đồng. Sản lượng bán xăng dầu nội địa 6 tháng năm 2022 là 5.089.866 M3/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.
(b) Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu: Lợi nhuận trước thuế đạt 888 tỷ đồng. Trong đó:
- Lợi nhuận lĩnh vực hoá dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 369 tỷ đồng;
- Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh gas đạt 79 tỷ đồng;
- Lợi nhuận lĩnh vực vận tải xăng dầu đạt 43 tỷ đồng;
- Lợi nhuận lĩnh vực nhiên liệu hàng không đạt 91 tỷ đồng;
- Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 138 tỷ đồng;
- Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kho đạt 112 tỷ đồng;
- Lợi nhuận các lĩnh vực khác như xây lắp, cơ khí, thiết bị, tin học, dịch vụ đạt 56 tỷ đồng.
3/ Tổng số nộp ngân sách 6 tháng năm 2022 là 21.393 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
II/ Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh
- Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ (a) xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, (b) các nước Tây Âu và Mỹ công bố biện pháp “trừng phạt” đối với lĩnh vực năng lượng của Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, giá dầu thô thế giới (WTI) tăng từ 91,59 USD/thùng vào ngày 25/2 lên mức 120-122 USD/thùng (tăng trên 30%) vào đầu tháng 6, sau đó quay đầu giảm còn 105,76 USD/thùng vào ngày 30/6/2022 và tiếp tục đà giảm mạnh về mức 96,42 USD/thùng vào ngày 28/7/2022. Trong khi đó, để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thiết yếu của người dân cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng và trong các chu kỳ giá thế giới tăng cao Petrolimex đã phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt từ nguồn cung ứng trong nước. Do đó biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu bị suy giảm lớn tập trung vào quý 2/2022.
- Do giá bán xăng dầu từ tháng 7/2022 điều chỉnh giảm với biên độ lớn, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo Chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho các Nhà đầu tư, Công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được của lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng lên tới 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2022 của Công ty mẹ là 295 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng 2022 của Tập đoàn là 1.552 tỷ đồng.
III/ Một số công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022
- Bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và khu vực, nhu cầu thị trường trong nước và sự biến động của giá dầu thế giới để có phương án tạo nguồn tối ưu.
- Từng bước đưa giải pháp quản trị rủi ro hàng tồn kho vào vận hành thực tế, không ngừng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro hàng tồn kho.
- Triển khai các giải pháp nâng cao tỷ trọng và năng lực cạnh tranh của phương thức bán lẻ như: Tiếp tục thúc đẩy, gia tăng sản lượng bán lẻ không dùng tiền mặt kết hợp chương trình quản trị khách hàng PLX ID; Đẩy mạnh triển khai nhận diện thương hiệu giai đoạn 2 cho toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu Petrolimex; Triển khai chương trình dịch vụ bán hàng toàn quốc qua app Petrolimex...
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sản xuất kinh doanh; Triển khai đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, trước mắt tập trung tự động hóa hệ thống kho xăng dầu và tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu Petrolimex.
- Đánh giá rà soát để có các giải pháp tiết giảm chi phí trên tất cả các lĩnh vực nhằm tăng hiệu quả kinh doanh như: Triển khai dự án quản lý phương tiện tập trung (DOC), chương trình quản trị tài sản (PM), chương trình quản trị khách hàng (CRM)…