Làm tốt công tác đánh giá cán bộ, thực hiện vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong công tác tổ chức, cán bộ
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT PGC Trịnh Quang Vinhtrình bày tham luận tại Đại hội
Một là,đánh giá cán bộ phải chú trọng đánh giá hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo chủ yếu. Đánh giá cán bộ phải dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng cán bộ. Năng lực cán bộ thể hiện ở hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của họ theo chức trách nhiệm vụ được giao, thể hiện ở khối lượng, chất lượng hiệu quả công tác trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, để có thể đánh giá cán bộ khách quan hơn, phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng (về kết quả thực hiện công việc, thời gian hoàn thành công việc, tỷ lệ xử lý tình huống thỏa đáng và những giải pháp sáng tạo trong công việc …) bằng cách xây dựng một hệ thống yêu cầu, đòi hỏi của công việc cho mỗi vị trí cán bộ, hệ thống các tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ, năng lực; về khối lượng công việc, quy trình xử lý; quy trình tổng hợp, báo cáo kết quả công tác định kỳ.
Hai là,đánh giá, cán bộ cần phải xem xét vị trí công tác của từng cán bộ có phù hợp với sở trường công việc cụ thể hay không để đánh giá được khách quan, đúng thực tế, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, để sau đó có hướng bố trí, sắp xếp công việc cho phù hợp với năng lực, sở trường của họ. Đánh giá đúng năng lực, nguyện vọng, sở trường của từng cán bộ thì sẽ đóng góp tích cực cho việc bố trí, sắp xếp công việc được chính xác, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, đánh giá cán bộ phải được xem xét trong một quá trình. Khi đánh giá cán bộ không thể chỉ xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn, hoặc chỉ thấy hiện tại, mà cần có thời gian dài, có một quá trình. Bởi vì, mọi việc đều có sự biến chuyển, con người cũng có sự thay đổi về nhiều mặt, cho nên nhận xét về một con người không thể cố định bất biến mà phải trong quá trình vận động, biến đổi. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Muốn đánh giá cán bộ đúng đắn, chính xác, cần phải kiên nhẫn tìm hiểu, theo dõi cán bộ trong một thời gian dài; xác định đánh giá cán bộ không phải một lần, mà bao hàm cả một quá trình nhận thức, là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ (tức là quá trình đánh giá và đánh giá lại cán bộ). Do đó, cấp ủy Đảng phải có kế hoạch thật chặt chẽ, hợp lý trong quản lý cán bộ, phải có các bước đánh giá phù hợp, khoa học, phải hợp lực với nhiều người, tham khảo ý kiến số đông trong đánh giá cán bộ.
Bốn là, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ. Để cho tập thể và quần chúng tham gia đánh giá cán bộ. Mỗi cán bộ là một thành viên của một tập thể, một cộng đồng, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với nhau, nên cũng có rất nhiều mối quan hệ ngang dọc, trên dưới, trong ngoài. Công việc mà cán bộ phụ trách thường liên quan đến nhiều việc, nhiều người. Do vậy, khi đánh giá cán bộ, bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ cấp ủy Đảng đơn vị còn phải coi trọng ý kiến của tập thể cán bộ và ý kiến của đông đảo quần chúng thông qua nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị như: Lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hoặc cũng có thể tổ chức trao đổi, thảo luận trực tiếp một cách dân chủ.... Kết quả phải thông báo công khai cho đối tượng được đánh giá và CBNV trong đơn vị biết. Tuy nhiên, thực hiện dân chủ trong đánh giá cấn bộ cần lưu ý khắc phục những hiện tượng lệch lạc, thành kiến cá nhân, tư tưởng bè phái trong tổ chức trước khi tiến hành đánh giá cán bộ.
Năm là,Công tác đánh giá cán bộ không chỉ làm một lần mà phải làm thường xuyên, theo định kỳ hằng năm và trước khi đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và đưa vào hồ sơ cán bộ để quản lý, theo dõi nắm và hiểu được cán bộ; đồng thời giúp cho bản thân người cán bộ hiểu đúng mình hơn nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm.