Tản mạn cùng phêi
1.
Từ dạo Tập đoàn “hô hào” lập phêi (Facebook) để truyền thông, biết nhà nước đã cho phép, tôi nhờ anh em lập cho cái phêi.
Mới đầu thấy vui. Ôi chao, biết bao là tin. Cái chi cũng có. Của mình thì đăng cái gì người khác cũng thấy liền, rồi bình luận thật là rôm rả. Ngỡ đã vui.
Rồi được tuần tôi xóa phêi. Ôi dào, muốn điên cái đầu luôn. Trên phêi thôi thì đủ thứ “tạp phế lù”; thật có giả có, “vàng thau lẫn lộn” - chả biết đâu mà lần.
Có anh lại còn mời đánh bạc, có anh mời khám sức khỏe bằng phần mềm nữa chứ, có anh tây đen chả biết ở đâu lại còn mời kết bạn nữa cơ.
Giao thông có luật lệ rõ ràng thiết thực vì lợi ích của chính người tham gia giao thông là an toàn, vậy mà nhiều nơi nhiều lúc còn chưa được ngon - nào ách tắc, nào tai nạn rất thương tâm báo chí vẫn đăng để nhắc nhớ chúng ta mỗi ngày.
Cái xa lộ thông tin trên mạng xã hội (MXH) mà cụ thể là anh phêi thì thật là phức tạp hơn anh giao thông rất nhiều.
2.
Ơ, nhưng sao hơn 2 tỷ người dùng. 2 tỷ người là một cái gì đó rất có lý chứ.
Thế là tôi lại nhờ anh em khôi phục lại giúp cái phêi. Tập đoàn đã văn bản thì có lý rồi. Lần này tôi nghiên cứu thật kỹ rồi mới lên phêi.
Hóa ra, 2 tỷ người dùng là đúng. Ở phêi có tất cả các công cụ để kiểm soát thông tin của mình.
Tất cả hành động trên phêi đều do cá nhân mình làm chủ, kiểm soát thông tin và chịu trách nhiệm: Từ kết bạn, theo dõi, like/share/cmt; đăng stt cho một mình/bạn bè/tất cả toàn cầu; hủy kết bạn, không kết bạn chỉ theo dõi, chặn anh nào đó phá bĩnh hay lan truyền thông tin độc hại mà pháp luật cấm; lập nhóm kín/nhóm mở, lập fanpage, … để giao lưu, chia sẻ thông tin hay cùng nhau bàn luận về một đề tài nào đó.
Thế giới phêi vô cùng rộng lớn. Và, cái gì lớn cũng đều có sức mạnh.
3.
Hôm rồi, trên phêi lao xao câu chuyện công nhân xăng dầu đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang,… mọi người vào bình luận rôm rả thấy nhiều điều bổ ích.
Chị nhà báo thiện chí thương người lao động làm việc trong môi trường vất vả nắng nóng, bảo vệ việc đeo khẩu trang.
Thế còn cái anh quy định thì cũng có trang bị đấy (theo TT 04). Nhưng mà, anh xăng dầu cũng xuất phát từ cái ý tốt là nở nụ cười với khách hàng cho cuộc sống nó nhẹ nhàng và văn minh thương mại theo Quy trình 5 bước.
Đeo khẩu trang mà mời chào thì cũng được nhưng nó buồn cười và không lịch sự cho lắm. Đeo khẩu trang mà cười thì chả nói bạn cũng đã thấy là nó rất chi là buồn cười.
Cho nên, đeo thế nào là lựa chọn của mỗi người cho phù hợp để thực hiện tốt công việc của mình.
Chị nhà báo thương cánh công nhân xăng dầu - đấy là cái tình của báo chí, người lao động chúng tôi nghe cũng thấy xúc động. Cảm ơn chị về cái tình người ấy.
Vất vả có phải đâu chỉ bây giờ, nó có từ lâu rồi. Ngày xưa vất vả chiến trường, bây giờ vất vả ở nơi thương trường.
4.
Chị Ngọc Trâm viết bài “Xăng dầu là cái nghề vất vả” cũng đã nói có nhiều ngành nghề vất vả nhưng khẳng định xăng dầu nằm trong số đó.
“Vất vả mà vui” vì được làm việc ở ngành có thương hiệu lớn, có văn hóa hơn 60 năm, có tình người. Vui vì được khách hàng tin yêu, thương mến; được nước ngoài tin cậy, được nhà nước ghi nhận tôn vinh.
Nữ anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Ngọc Thu, nhân viên bán lẻ xăng dầu Hải Yến đã nói những điều này lên hẳn phim Petrolimex ký sự rồi.
Lên phêi, tôi thấy anh Hồng Phong nói rất chí lý: “Ở Petrolimex có 2 điều quý nhất đó là: Người lao động và khách hàng”. Petrolimex tôn trọng quý mến cả 2.
Chả thế mà cái hình giọt dầu ở chữ P nó tròn căng hình giọt máu đào. Đó là biểu tượng của năng lượng và nó cũng là biểu tượng của tình người.
Bao cấp cũng vậy mà thị trường thì cũng vậy, vẫn chỉ ngần ấy thứ là cơ bản thôi. Tất cả là để đất nước được thanh bình, đi lên; nhân dân kiến tạo cuộc sống ngày càng giầu mạnh.
5.
Cũng là tin - đăng ở web thì vào web mới thấy, đưa lên phêi thì đăng cái thấy liền - thích thì vào xem, không thích thì ngó qua cái title rồi lướt tiếp.
Chọn phêi làm công cụ lan tỏa thông tin thế là trúng rồi.
Phêi còn hơn anh web ở cái tính tương tác - tha hồ mà gõ ý kiến cmt của mình, rồi like với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau, rồi share cho ai đó có thể chưa biết hoặc cùng quan tâm.
Cơ mà, cái gì cũng có luật lệ của nó. Tôn trọng luật lệ thì an toàn & trật tự xã hội - giống như anh giao thông vậy.
Hơn thế, lên phêi thì phải khôn hơn đi đường bởi ô tô/xe máy thì còn có thể nhìn thấy mà tránh.
Điện thoại thông minh thì phải làm cho con người thông minh hơn thì mới đúng. Nếu không làm chúng ta thông minh hơn thì quyết không dùng. Lên phêi cũng vậy thôi.
Tản mạnđôi dòng lên phêi cùng bạn đọc nhân có câu chuyện về nỗi vất vả xăng dầu.
Phải lên phêi thôi.
Phêi lan tỏa thông tin từ Tập đoàn, từ các đơn vị thành viên Petrolimex trong và ngoài nước, của từng ngành nghề mà chúng ta đang kinh doanh.
Ở đó, chúng ta lắng nghe hơi thở cuộc sống, tiếng nói người lao động của chúng ta và khách hàng của chúng ta.
Đó cũng là dân chủ cơ sở và đó cũng là nghiên cứu dư luận xã hội - một việc mà tất cả các tổ chức đều muốn làm.
Bạn đã lập phêi chưa?
Nếu chưa thì lập luôn nha.
Nếu lập rồi thì hãy nghiên cứu kỹ vào rồi lên phêi. Lên phei cũng vui.
Chúc bạn lên phêi thành công !