VPCP họp báo thường kỳ tháng 3/2013

11:39 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Tư, 2013

(Chinhphu.vn) - Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2013 chiều 29/3, Người phát ngôn của Chính phủ , Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải đáp nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013 diễn ra từ ngày 28 -29/3, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới.

Sau đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí

Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc

PV Minh Hường, VTV: Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính hôm qua về điều chỉnh giá xăng dầu, liên Bộ cho biết giá trong nước đang thấp hơn các nước từ 2.000-5.000 đồng một lít. Nhiều người cho rằng, đó là lý do để Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều người dân băn khoăn phải chăng cơ quan chức năng không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu nên đẩy việc tăng giá xăng dầu lên người dân hay không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã nhiều lần bàn về giá xăng dầu. Hiện các Bộ đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84- quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục… để điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu. Hôm qua liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh theo tinh thần Nghị định này và có thông cáo gửi báo chí. Tôi thấy có một lý do là giá xăng dầu thấp hơn các nước có cùng biên giới. Nhưng đó chỉ là một dẫn chiếu để thấy giá bán xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn các nước, không phải lý do chính tăng giá xăng dầu. Đương nhiên khi giá thấp hơn các nước thì tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tăng và cơ quan chức năng sẽ phải tích cực chống buôn lậu.

Lý do chính là giá thấp hơn giá cơ sở, nếu duy trì giá cũ thì quỹ bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù, nhưng chúng ta đã thống nhất nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải dần tiến tới theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tôi xin chia sẻ thêm, hôm nay là ngày 29/3, cách đây hơn 1 tháng, ở thời điểm cuối tháng 2, rất nhiều báo đã rút tít: Không thể không tăng giá xăng dầu. Lúc đó, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp, mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có đủ căn cứ và sự cần thiết để tăng giá xăng dầu nhưng để phục vụ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và quan trọng là không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định chưa tăng giá. Đến nay, trước tình hình quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn nên cần điều chỉnh. Tôi nhắc lại: không phải vì chống buôn lậu mà tăng giá xăng.

Tôi xin nói thêm, giá xăng thế giới tăng giảm ngoài lý do biến động chính trị bất thường thì cũng có quy luật. Ngay tại cuộc họp tháng trước, các Bộ đã dự liệu từ giữa tháng 3 trở đi, khi thời tiết qua mùa đông, giá xăng dầu sẽ không tăng cao nữa, nếu không cho tăng ở thời điểm giá xăng dầu thế giới đang đỉnh điểm mà đợi khi giá xăng dầu thế giới có biểu hiện đi xuống mới tăng thì truyền thông có thể sẽ suy diễn không đúng do không hiểu hết. Báo chí nên tìm hiểu kỹ để tuyên truyền đúng. Điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch tất cả các yếu tố, quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập khẩu, giá thế giới là bao nhiêu... Liên Bộ đã báo cáo Chính phủ rằng về cơ bản các thông tin đó đã được công khai. Tại cuộc họp báo hôm nay có đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đề nghị các Bộ kiểm soát chặt chẽ việc công khai mọi yếu tố cho nhân dân được biết.

Chính phủ khẳng định: Điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của nền kinh tế xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

PV Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh: Khi liên Bộ quyết định tăng giá có nhiều ý kiến cho rằng tăng giá quá cao, cao nhất trong những lần tăng giá, phải chăng đây là sự điều hành giật cục, kìm hãm quá dài rồi tăng quá cao. Trong phiên họp, Chính phủ có thảo luận về vấn đề này hay không?

...

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Về xăng dầu, như tôi nói ban đầu, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, liên Bộ được trao thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định rất nghiêm ngặt. Nếu theo quy định của Nghị định thì từ tháng trước, giá xăng đã tăng. Còn biên độ tăng lớn hay giật cục hay không thì Bộ Tài chính sẽ giải đáp cụ thể hơn để các nhà báo thấy rõ.

Một thời gian dài, chúng ta bao cấp nhưng hiện điều chỉnh theo lộ trình giá thế giới, trừ một vài nước đặc biệt, còn lại cơ bản theo giá thị trường. Khi đó, chúng ta điều hành hoàn toàn theo giá thị trường thì lúc giá thế giới lên thì chúng ta tăng, lúc giá thế giới xuống thì chúng ta giảm.

Khi giá giảm thì mọi người vui vẻ nhưng nếu giá tăng thì sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đến sản xuất. Do đó, Chính phủ mới đưa ra những giải pháp điều hành giá tiến dần đến giá thị trường.


PV Minh Phương, Báo Tin Tức:Xin chào Bộ trưởng. Tôi đến từ Báo Tin tức. Tôi xin hỏi 2 câu. Thứ nhất, Bộ trưởng đánh giá tác động của CPI tháng tới như thế nào sau việc tăng giá xăng dầu. Về thời điểm tăng giá, có thể việc tăng là hợp lý, nhưng thời điểm hiện nay giá thế giới đang giảm, thì việc tăng lúc này có hợp lý không?

Thứ hai là về việc đấu thầu vàng. Hôm qua (28/3) mặc dù NHNN cho rằng đấu thầu vàng là thành công, tuy nhiên sự tham gia của các doanh nghiệp không được hào hứng lắm. Thế thì trong thời gian tới thì NHNN có cái điều chỉnh, giải pháp ra sao vì giá sàn đưa ra lại cao hơn giá vàng giao dịch trên thị trường, và căn cứ giá tham chiếu là của ngày hôm trước thì có hợp lý không ạ? Tôi xin hết.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đối với câu hỏi thứ nhất về ngân hàng, đây là một câu hỏi rất cụ thể. Đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại đây sẽ trao đổi thêm với bạn. Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào từng phiên đấu giá, giá tham chiếu bao nhiêu.

Đối với câu hỏi thứ hai về tác động của tăng giá xăng dầu đến CPI, đương nhiên khi tăng giá xăng dầu, bao giờ các Bộ, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng làm việc để đánh giá nếu tăng như vậy thì dự kiến ảnh hưởng đến CPI là bao nhiêu. Và thậm chí còn đánh giá rõ là ảnh hưởng vòng 1 là bao nhiêu %, còn lại vòng 2, vòng 3 là bao nhiêu %. Tất cả những vấn đề đó các cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ.

Tôi xin nói thêm, có những vấn đề tính toán như vậy nhưng thực tế còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có các bạn báo chí đang ngồi đây.

Câu hỏi của các bạn là khi giá thế giới bắt đầu xuống, việc chúng ta tăng giá có hợp lý không, tôi đã trả lời gián tiếp ở câu trả lời đầu tiên. Tháng trước, liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã trình Tổ điều hành giá để tăng và báo chí lúc đó cũng đã viết là không thể không tăng được nữa rồi, nhưng lúc đó do phải bình ổn giá, tháo gỡ khó khăn, không dồn thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã quyết định là không tăng. Còn bây giờ, khi đến thời điểm phù hợp, chúng ta sẽ tăng giá.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội