Tự hào truyền thống 90 năm để tiến xa hơn
Ngày 13/3 được chọn là ngày truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam theo Quyết định số 212/QĐ-TTG năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Là một doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu trong nước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn tự hào với bề dày truyền thống 90 năm của ngành xăng dầu Việt Nam và đang tiếp tục không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hội nhập để tiến xa hơn.
Bảo vệ từng giọt xăng, giọt máu
Lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam gắn liền với phong trào công nhân xăng dầu, từ vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột mà khởi đầu là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý, Hải Phòng ngày 13/3/1928. Đây là lần đầu tiên, công nhân xăng dầu Việt Nam thực hiện một cuộc đấu tranh với hình thức bãi công, tạo ra tiếng vang trong phong trào đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ; được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu.
Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa quân dân Hải Phòng và công nhân Sở dầu Thượng Lý đã góp phần vào thắng lợi đêm 18/6/1953 tại Sở dầu Thượng Lý, thiêu huỷ hàng chục triệu lít xăng, đốt cháy 300 xe cơ giới các loại của Pháp. Chiến công đó, cùng với các chiến trường khác ở khắp mọi miền đất nước đã góp phần đáng kể làm lên thắng lợi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954.
Trong thời gian thực hiện Hiệp định Giơnevơ, công nhân Sở dầu Thượng Lý đã đấu tranh quyết liệt trước âm mưu tháo gỡ, phá huỷ các trang thiết bị, máy móc của thực dân Pháp trước khi rút quân. Đây cũng là nền tảng cơ sở để chuẩn bị điều kiện cần thiết ra đời Ngành xăng dầu Việt Nam dưới chế độ mới.
Cán bộ và nhân viên Petrolimex luôn tự hào về truyền thống lịch sử ngành xăng dầu Việt Nam.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng; ngày 29/7/1955, đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hải Phòng (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ký lệnh trưng dụng Sở dầu Thượng Lý - dấu mốc quan trọng cho sự ra đời ngành Xăng dầu Việt Nam và ngày 29/7/1955 trở thành ngày thành lập Công ty Xăng dầu Khu vực III ngày nay.
Việc cung cấp xăng dầu cho miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước ngày một gia tăng. Với vị trí thiết yếu của loại vật tư chiến lược và tính chất phức tạp trong khâu quản lý và phân phối xăng dầu; ngày 12/01/1956, Bộ Thương nghiệp đã ban hành Quyết định số 09/BTN thành lập Tổng Công ty Xăng dầu mỡ - tiền thân của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ngày nay.
Trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất, con người, truyền thống ngành xăng dầu, các thế hệ cán bộ, công nhân Petrolimex đã trải qua nhiều chặng đường xây dựng, chiến đấu, đổi mới, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho trong mọi thời kỳ.
Trong các cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, với tinh thần đã bảo vệ từng giọt xăng - giọt máu của Tổ quốc, ngành xăng dầu đã đảm bảo cung cấp xăng dầu cho tiền tuyến thông qua đường ống dã chiến, thông qua công cụ thô sơ nhưng đáp ứng được cho nhu cầu chiến đấu để giải phóng miền Nam và trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc. Sau khi đất nước được giải phóng, ngành xăng dầu cũng đảm trách nhiệm vụ hết sức to lớn đối với nền kinh tế thông qua việc đáp ứng nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Củng cố vị thế chủ đạo trên thị trường xăng dầu
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, giai đoạn 2015-2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ thương mại khu vực và quốc tế, xây dựng Tập đoàn thành tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, Petrolimex ưu tiên: Thứ nhất, quản trị lại hệ thống bằng cách tái cấu trúc, cổ phần hóa, niêm yết trên sàn để bảo đảm tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu .Thứ hai, lấy thước đo hiệu quả cổ tức với các cổ đông làm thước đo hết sức quan trọng. Thứ ba, tổ chức tốt các dịch vụ khách hàng thông qua mạng lưới của mình ở 63 tỉnh, thành phố.
“Đối với Petrolimex khi chuyển sang cơ chế thị trường cũng phải rà soát và xây dựng lại tất cả các chuẩn mực của một công ty hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu có sự cạnh tranh nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới để đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam và các nước trong khu vực. Có thể nói, với lộ trình tái cấu trúc của Tập đoàn, đến ngày hôm nay, Petrolimex đã trở thành tập đoàn lớn mạnh, bền vững về tài chính, bảo đảm đáp ứng đối với khách hàng của mình về nhu cầu xăng dầu”, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định.
Petrolimex là thương hiệu xăng dầu lớn nhất và có uy tín hàng đầu.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho biết thêm: Kết quả thông qua đối với các chỉ tiêu mà Nhà nước quản lý bao gồm doanh thu, vốn, lợi nhuận, kết cấu tài sản có thể nói Tập đoàn cơ bản đã hoàn thành các đích của năm 2020. Đặc biệt, trong năm 2016-2017, Tập đoàn đã đạt thành tựu cao nhất từ trước đến nay với lợi nhuận hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2016 và xấp xỉ 5.000 tỷ đồng năm 2017.
Điều quan trọng vốn hóa của thị trường sau khi được niêm yết đã gấp 10 lần so với ban đầu tại thời điểm cổ phần hóa, hiện nay vốn hóa của Tập đoàn xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, tất cả những yếu tố về bảo đảm vật chất, rủi ro hầu hết đã loại trừ, tình hình tài chính của Petrolimex được cải thiện rõ rệt, Tập đoàn không có đơn vị lỗ hoặc yếu kém trong tình trạng mất cân đối. Tập đoàn sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ một cách căn cơ đáp ứng chuẩn mực mới của quốc tế, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm ngày càng yêu cầu cao đối với môi trường.
Trong lộ trình 3 năm tới, Tập đoàn sẽ tự động hóa mạng lưới của mình ở hầu hết các thành phố lớn, như vậy song hành với tổ chức thay đổi vật chất kỹ thuật, điều quan trọng là phải thay đổi phương pháp quản trị theo mô hình tiên tiến, áp dụng hệ thống phòng ngừa rủi ro và tính toán hiệu quả. Kết quả cuối cùng là bảo đảm hiệu quả lợi nhuận đồng vốn của cổ đông, trong đó cổ đông Nhà nước là cổ đông chi phối.