Thuế xăng dầu - thực hiện thế nào cho hợp lý?
Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Việc thực hiện các quy định của Luật là điều tất yếu. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu - thực hiện như thế nào cho hợp lý là điều được doanh nghiệp, công chúng quan tâm; đặc biệt là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ban ngành nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) về nội dung này.
Ông Trần Ngọc Năm |
Thưa ông, ngày 01/7/2013, Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực. Xin ông cho biết, Luật này ảnh hưởng như thế nào đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu?
Ông Trần Ngọc Năm: Luật sửa đổi có một điểm mới đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là chấm dứt “ân hạn” 30 ngày đối với việc nộp thuế khâu nhập khẩu xăng dầu.
Từ nay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu (hay còn gọi là “doanh nghiệp đầu mối”,“thương nhân đầu mối”) phải nộp ngay thuế nhập khẩu xăng dầu trước khi thông quan hoặc trước khi dỡ hàng từ tàu lên kho bể.
Khi thời hạn nộp thuế sớm hơn 30 ngày thì điều đó chắc chắn là ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu mối.
Ông cho biết chi tiết hơn về thuế xăng dầu, nên hiểu thế nào cho đúng và đẩy đủ? Và tại sao trước đây lại có “ân hạn” 30 ngày đối với xăng dầu?
Ông Trần Ngọc Năm: Thuế xăng dầu là cách gọi tắt đối với các loại thuế thu từ xăng dầu (xăng, điezen, dầu hỏa, mazút,…), như: Thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế giá trị gia tăng (GTGT/VAT).
Đây là loại thuế gián thu, nghĩa là: thu từ người tiêu dùng thông qua doanh nghiệp. Nói cách khác: Bất cứ ai khi bỏ tiền ra mua xăng dầu thì người đó đã trực tiếp nộp thuế cho Nhà nước thông qua doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp chỉ là người thu thuế hộ để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cơ sở của việc “ân hạn” 30 ngày đối với xăng dầu, theo tôi, có lẽ câu hỏi này các cơ quan quản lý nhà nước trả lời sẽ chính xác và rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu các văn bản pháp luật, tôi thấy việc “ân hạn” 30 ngày trước đây phù hợp với yêu cầu về số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Khi thực hiện qui định này đã giúp cho các doanh nghiệp đầu mối có khả năng cân đối được nguồn vốn để nộp thuế do hàng đã được bán, doanh nghiệp thu được tiền thuế từ người tiêu dùng thông qua giá bán để nộp lại cho Nhà nước.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận thì doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là thuế trực thu, doanh nghiệp nộp trực tiếp cho Nhà nước.
Nộp thuế (dù trực thu hay gián thu) đều là trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế. Việt Nam đang làm và các nước cũng đều làm như vậy đối với xăng dầu.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ban ngành xem xét sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ 01/7/2013 sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Vậy, theo ông, làm thế nào để thực hiện các quy định về thuế xăng dầu từ ngày 01/7/2013 mà vẫn có thể vận hành xăng dầu theo đúng mục tiêu đặt ra là “thị trường có sự quản lý của Nhà nước”?
Ông Trần Ngọc Năm: Để thực hiện đúng các quy định về thuế xăng dầu từ ngày 01/7/2013, thiết nghĩ, có 2 vấn đề sau:
Thứ nhất, Luật đã có hiệu lực - doanh nghiệp đương nhiên phải có trách nhiệm thực hiện.
Nếu doanh nghiệp có đủ vốn thì cách thu thuế này không có gì phải bàn; bởi nó nằm trong sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, khi vốn của các doanh nghiệp Việt Nam không được dư dật như doanh nghiệp nước ngoài thì rõ ràng là doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có đủ tiền để nộp thuế. Vậy nên phải đi vay ngân hàng, trả lãi suất đối với khoản vay đó.
Lãi suất tiền vay phát sinh do doanh nghiệp vay để nộp thuế là chi phí tài chính và được hạch toán trên sổ sách kế toán một cách hợp lệ theo quy định của pháp luật về lĩnh vực kế toán.
Doanh nghiệp chỉ còn cách thực hiện như vậy. Đó là một thực tế.
Nói cho đơn giản hơn, thay vì thu của người tiêu dùng rồi mới nộp thì nay doanh nghiệp đầu mối vay giúp người tiêu dùng để nộp trước cho Nhà nước, sau đó thu của người tiêu dùng sau để trả cho ngân hàng.
Điều này cũng có cái lợi là Nhà nước có được ngay tiền để sử dụng vào các công việc cần thiết theo mục tiêu chung của đất nước. Người tiêu dùng cũng có cái lợi là chưa mua xăng dầu, chưa nộp thuế nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Vậy nên phải nghĩ đến quyền lợi cho doanh nghiệp đầu mối đã thay mặt người tiêu dùng để làm nghĩa vụ của mình là điều hợp lý, nên tính đến, nên làm.
Thứ hai, như vậy, câu hỏi đặt ra là chi phí lãi vay ngân hàng để nộp thuế tính vào đâu? Khi chi phí là hợp lệ thì đương nhiên phải tính vào giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu.
Theo cách tính nhanh của chúng tôi thì chi phí kinh doanh xăng dầu (chi phí bình quân xã hội) phải tăng lên tương ứng khoảng 40 đồng/lít (đối với mazút là đồng/kg).
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản báo cáo các bộ ngành liên quan về việc này. Hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tin rằng, sửa đổi Nghị định 84 lần này sẽ có những tiến bộ hơn theo mục tiêu “thị trường có sự quản lý của Nhà nước”; đồng thời, khắc phục được các “bất cập” cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như giải quyết được các bức xúc của người tiêu dùng, của nhân dân, của xã hội với tinh thần “minh bạch bắt đầu từ thiết chế”.