Theo dấu chân lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Những chuyến đi về nguồn của Petrolimex không chỉ giáo dục truyền thống cho 26.000 CNVC-LĐ mà còn khơi dậy, lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Ngày 28/2/2018 thật bình thường như bao ngày khác, nhưng với tôi là một ngày trọng đại, được theo đoàn công tác của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngược dòng lịch sử, lần theo dấu chân nhà hoạt động Cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.
Điểm đến đầu tiên là Công ty Xăng dầu Khu vực III. Căn phòng truyền thống của Công ty vỏn vẹn 30m2 nhưng đủ chứa hàng trăm tài liệu, hiện vật quý báu, phản ánh trung thực truyền thống ngành xăng dầu Việt Nam trong suốt 90 năm qua.
PGĐ Nguyễn Quế Thủy giới thiệu Nhà truyền thống với đoàn
Nơi đây còn lưu giữ bức tranh miêu tả cuộc bãi công lịch sử 90 năm trước của công nhân Sở Dầu. Ngày 13/3/1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch Công Hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện - Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa- công nhân Sở dầu (sau này là Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); đồng chí Nguyễn Thanh Bình - công nhân Sở dầu (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng) và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong tổng số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Đây là lần đầu tiên Công nhân Xăng dầu Việt Nam thực hiện một cuộc đấu tranh với hình thức bãi công và cuộc đấu tranh thành công đã tạo một tiếng vang trong phong trào đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ; được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu.
Ông Nguyễn Quế Thủy, Phó Giám đốc - Chủ tịch Công đoàn Công ty dẫn chúng tôi lần giở những ký ức hào hùng của một thời. Sắc lệnh số 1566 ngày 29/7/1955 của đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban quân chính Hải Phòng ký lệnh trưng dụng cơ sở chứa dầu tại Thượng Lý, chuyển giao cho công nhân Sở Dầu làm chủ.
Ngày 29/7/1955 được lấy là ngày thành lập Công ty Xăng dầu khu vực III, nghĩa là, sớm nhất trong số các đơn vị thành viên Petrolimex và trước cả Tập đoàn vài tháng (ngày 12/01/1956). Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đã có lần dùng hình ảnh “Ví như chào đón năm mới, thì Petrolimex Hải Phòng là nơi năm mới đến đầu tiên trong toàn Tập đoàn”.
Truyền thống bất khuất ngày 13/3 của công nhân xăng dầu tiếp tục được phát huy cao độ trong cuộc đọ sức với không lực Hoa Kỳ. Những năm 1965-1972 nơi đây từng là mục tiêu số 1 bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Hàng trăm trận oanh kích, hàng ngàn tấn bom đạn Mỹ dội xuống Tổng kho xăng dầu Thượng Lý và các kho phân tán ở Hải Phòng, Hải Hưng, Quảng Ninh. Máu của bao người đã đổ nhưng dòng xăng dầu vẫn không ngừng chảy.
Mọi người trong đoàn không khỏi bồi hồi xúc động trước hàng loạt hiện vật. Đây, chiếc búa của liệt sỹ Nguyễn Văn Mậu dùng đánh kẻng báo động trận đánh phá đầu tiên của giặc Mỹ; đây những chiếc nút gỗ được hai công nhân Đỗ Khắc Xuôi và Nguyễn Văn Dần dũng cảm vít lại những lỗ thủng ở các bể dầu trong trận ngày 29/6/21966; đây chiếc đài bán dẫn Orionton là phương tiện thông tin tại Sở chỉ huy của lãnh đạo Công ty…
Bức tranh miêu tả vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa đảm bảo duy trì sản xuất
Những hiện vật ấy, đã kể lại cho các thế hệ người lao động xăng dầu Việt Nam về một thời hào hùng không thể nào quên, vừa anh dũng chống trả, bảo vệ từng giọt xăng-giọt máu của Tổ quốc; vừa duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng nhu cầu cho các tỉnh miền Bắc và chi viện xăng dầu cho miền Nam.
Dâng hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Đền thờ xã An Đông - huyện An Dương - TP. Hải Phòng
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến dâng hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Đền thờ ở xã An Đông - huyện An Dương - TP. Hải Phòng. Đây chính là nơi Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh cùng liệt sỹ Hồ Ngọc Lân bị Thực dân Pháp xử chém ngày 31/7/1931.
Trồng cây tại Kho Xăng dầu Thượng Lý Trồng cây tại Kho Xăng dầu Thượng Lý
Rời Hải Phòng, Đoàn công tác của Tập đoàn Xăng dầu đến dâng hương tại Đài tưởng niệm ở TT. Diêm Điền - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình. Theo Ban Quản lý Đài tưởng niệm, đây là nơi lưu giữ di thể lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Dâng hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Đài tưởng niệm ở TT. Diêm Điền - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình
Tháng 3 hàng năm là dịp để những thế hệ người lao động xăng dầu Petrolimex tìm về cội nguồn, về với lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam, người đã thổi bùng ngọn lửa bất khuất của công nhân xăng dầu Việt Nam.
Những chuyến đi về nguồn của Petrolimex không chỉ giáo dục truyền thống cho 26.000 CNVC-LĐ mà còn khơi dậy, lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Hiểu lịch sử để tự hào về truyền thống của mình; để nhân lên sức mạnh nội lực đó mà tiến lên và để lý giải được các thành công của chúng ta.
Tới ngày hôm nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đại chúng, đang dần từng bước chuyển sang thị trường; nhưng động lực cho sự phát triển thì không thể không nói đến cái tính cách mạng, tính tiên phong của công nhân xăng dầu từ ngày 13/3 cách đây 90 năm ấy.