Tạo lập thị trường xăng dầu cạnh tranh
Sáng nay (ngày 14/11), tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 38/2014/TT-BCT, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC về kinh doanh xăng dầu.
CôngThương -Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau 14 tháng xây dựng, Nghị định 83 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 3/9/2014 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/11/2014. Đây là nghị định được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao do tính chất quan trọng đối với nền kinh tế.
Nghị định 83 sau khi triển khai sẽ từng bước tạo lập thị trường xăng dầu cạnh tranh. Điều này thể hiện ở việc lựa chọn nhà đầu tư có khả năng cạnh tranh. Cụ thể: Nghị định 83 quy định ngoài việc thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu theo phương thức đại lý như Nghị định 84 , tức là chỉ có 1 loại hình duy nhất phân phối xăng dầu theo hệ thống chuỗi từ tổng đại lý xuống đại lý, thì nay cho phép mở thêm hai đối tượng kinh doanh xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu hoạt động theo hình thức mua đứt bán đoạn và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại. Với việc có nhiều đối tượng thương nhân cùng tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ được nâng cao hơn.
Liên quan đến giá xăng dầu, Nghị định 83 cũng quy định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định mới của Chính phủ đã tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Theo đó, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định cũng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh. Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công Thương - Tài chính).
Ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh: Công khai, minh bạch trong điều hành kinh doanh xăng dầu cũng là điểm mới của Nghị định 83. Nghị định quy định: Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý, các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của thương nhân đầu mối”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định: Nghị định 83 có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn và khắc phục những hạn chế của Nghị định 84. Việc thêm hai thành phần kinh doanh là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu sẽ nâng cao tính cạnh tranh của thị trường bởi thương nhân phân phối chỉ khác thương nhân đầu mối một điểm duy nhất là không được nhập khẩu. “Việc có nhiều thành phần tham gia thị trường xăng dầu là khởi đầu cho sự cạnh tranh”,ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 cũng như trích Quỹ bình ổn cũng nhận được sự đồng tình của người đứng đầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Tham dự hội nghị, hầu hết đại diện của Sở Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại lý… đồng tình với những quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 38/2014/TT-BCT, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC về kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Xuân Chín – Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm rõ một số vấn đề tại những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Chín – Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh đặt câu hỏi: Trên thực tế điều hành ở địa phương, có nhiều cửa hàng xăng dầu được cấp giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu nhưng kinh doanh gặp khó khăn, sau đó cho đối tượng khác thuê lại. Điều hành phát sinh vấn đề là đơn vị đến thuê vẫn sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh cũ. Vậy phải xử lý ra sao?
Theo ông Lữ Minh Thư – Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa, địa phương có gần 500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 20 tàu dầu và 63 cột dầu ven biển. Riêng đối tàu dầu ven biển và tàu dầu quản lý ra sao?
Trả lời những câu hỏi trên, ông Võ Văn Quyền khẳng định: Quy định của pháp luật không cho phép thuê lại cửa hàng. Doanh nghiệp khác muốn kinh doanh phải sở hữu hoặc đồng sở hữu cửa hàng. Đối với các cột dầu ven biển thì áp dụng quản lý như các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Các tàu dầu, nếu là trạm nổi thì coi như cửa hàng xăng dầu; nếu là phương tiện cung ứng thì tuân thủ đăng kiểm, điều kiện an toàn PCCC…chứ không phải loại hình độc lập trong kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến chi phí, lợi nhuận định mức… mà một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đặt câu hỏi, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, điều hành giá bám sát tình hình thực tiễn. Tại Nghị định 83, việc điều hành giá có bước tiến quan trọng. Trong cơ cấu giá xác định chi phí tạo ra tính công khai, minh bạch để làm sao có thể giám sát. Thông tư Liên tịch 39 quy định chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức rất rõ.
Thông tư 39 quy định: “Chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại xăng là: 1.050 đồng/lít; chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu điêzen, dầu hỏa là: 950 đồng/lít; chi phí kinh doanh bình quân định mức đối với các loại dầu madút là: 600 đồng/kg. Trong đó, các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn”.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ cao hơn mức quy định trên, thương nhân đầu mối cân đối, xem xét quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.