Tăng thuế môi trường xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?
(Chinhphu.vn) - Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu là có cơ sở. Bộ Tài chính có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để bảo đảm cùng với sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Đây là khẳng định của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính khi trao đổi cụ thể hơn về đề xuất điều chỉnh khung tăng thuế BVMT.
Xin ông cho biết, tại sao lại điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?
Ông Phạm Đình Thi: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT nhằm mục đích BVMT với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện... Theo Luật Thuế BVMT hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít.
Chúng tôi đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế). Đồng thời, trước diễn biến khó lường của giá dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây, giá dầu thấp, cần điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Dựa vào cơ sở nào để đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng dầu từ 1.000 -4.000 đồng/lít (theo luật hiện hành) lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thi: Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp. Cụ thể, trong 180 nước thì giá xăng dầu của Việt Nam đứng thứ 137, thấp hơn 136 nước. Tính theo giá vùng 1 của Việt Nam (theo Petrolimex) vào ngày 6/4, giá xăng Ron 92 đang là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Lào 4.806 đồng, thấp hơn Campuchia 2.826 đồng, thấp hơn Thái Lan 1.166 đồng, thấp hơn Singapore là 16.175 đồng, thấp hơn Philippines là 3.375 đồng, thấp hơn Hongkong (Trung Quốc) là 26.518 đồng cho mỗi lít.
Tỷ lệ thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế GTGT, trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%).
Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít là phù hợp.
Việc áp dụng mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu như thế nào? Có áp dụng lộ trình không?
Ông Phạm Đình Thi: Căn cứ vào nhiều yếu tố như đã nêu trên (cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu), tại dự án Luật Thuế BVMT (sửa đổi), Bộ Tài chính chỉ đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu. Mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.
Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp.
Tác động của việc điều chỉnh khung mức thuế BVMT này đối với sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, giá cả tiêu dùng thế nào thưa ông?
Ông Phạm Đình Thi: Hiện tại, giá xăng dầu của Việt Nam đang đứng thứ 137, chỉ có một số ít nước khai thác dầu thô có giá xăng dầu thấp như Mỹ đứng thứ 152, Nga đứng thứ 153 nước từ cao đến thấp. Thực tế, Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để bảo đảm tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.
Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu.
Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để bảo đảm cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tăng thuế BVMT có tác động như thế nào đến nhiệm vụ chi NSNN để giải quyết vấn đề về môi trường, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thi: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuế BVMT là khoản thu ngân sách Nhà nước và được sử dụng thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách Nhà nước như chi đầu tư phát triển (chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp...), chi bảo đảm xã hội (bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định)... Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến BVMT như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông...
Tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hằng năm”. Theo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách.
Như vậy, hằng năm, ngân sách Nhà nước vẫn bố trí riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường.