Nâng cao tính minh bạch
Việc sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có vai trò quan trọng trong nâng cao tính minh bạch; hướng tới thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
CôngThương- Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phó ban soạn thảo dự thảo Nghị định 84 (sửa đổi).
Xin ông cho biết tại sao phải tiến hành sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP?
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế- xã hội. Do đó, việc điều hành thị trường xăng dầu rất quan trọng. Quan điểm của Chính phủ là từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính thế giới cùng với việc giá xăng dầu chao đảo vào năm 2010, 2011; nền kinh tế vĩ mô gặp không ít khó khăn. Điều hành thị trường xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP có nhiều luồng dư luận phản ánh trái chiều về giá, sự minh bạch, lỗ lãi của doanh nghiệp…
Tháng 7/2012, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành đánh giá lại quá trình thực hiện Nghị định 84, trình Chính phủ vào tháng 12/2012. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tháng 12/2012, Bộ Công Thương đã có đánh giá toàn diện gửi Thủ tướng Chính phủ. Tháng 2/2013, Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan đánh giá báo cáo của Bộ Công Thương. Chính phủ cũng giao Bộ Công thương soạn thảo Nghị định sửa đổi 84, trình Chính phủ trước ngày 30/6/2013. Sau đó, Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ ngành thành lập ban soạn thảo, tổ soạn thảo xây dựng nghị định sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo chuyên gia, người dân và doanh nghiệp.
Đâu là những điều được, chưa được trong quá trình thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP, thưa ông?
Về cơ bản, nghị định đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường, cho phép doanh nghiệp tự định giá trong điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, cụ thể hóa hơn quan điểm cơ chế hóa thị trường có sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở Nhà nước quy hoạch, đưa ra các điều kiện giám sát quản lý các vấn đề về giá; từng bước tạo điều kiện cho thương nhân tham gia thị trường.
Trong Nghị định 84 quy định tại điều 27: Sau khi nhà nước đưa ra các công cụ về cách tính giá, phương thưc tính giá, thời điểm tăng, giảm giá thì doanh nghiệp đề xuất, điều chỉnh giá nhưng trong điều kiện mà Nhà nước đưa ra. Hoàn toàn không có chuyện là doanh nghiệp có thể tự tăng giá hoặc giảm giá bao nhiêu thì tùy. Còn trong điều kiện phải bình ổn giá, Nhà nước sẽ bù đắp chi phí cho DN. Nghị định cũng đưa ra một số công cụ kinh tế thay vì biện pháp hành chính, công khai minh bạch nhằm ổn định thị trường. Cụ thể: Đưa ra công thức tính giá; quy định về quỹ bình ổn giá…
Sau 3 năm thực hiện, theo đánh giá của Chính phủ, thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh. Đến nay đã có 13 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với nhiều doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH. Có cấu thị trường chuyển dịch theo hướng cạnh tranh hơn (thị phần Petrolimex giảm, Thanh Lễ, PV Oil tăng). Sự tham gia của đại lý, tổng đại lý thuộc các thành phần kinh tế ngày càng nhiều với 300 tổng đại lý, 4.500 đại lý, 10.000/13.000 cửa hàng xăng dầu của các thành phần kinh tế. Đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống, đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất.
Với tư duy chuyển sang kinh tế thị trường, đã chấm dứt chuyện nhà nước dùng ngân sách để bù lỗ cho xăng dầu thông qua cơ chế bù giá cho doanh nghiệp đầu mối. Đặc biệt, dù còn không ít ý kiến chưa đồng thuận nhưng dần dần doanh nghiệp, người tiêu dùng đã chấp nhận sự thay đổi về giá.
Tuy vậy, việc thực hiện Nghị định 84 vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Những quy định tại nghị định chỉ tạo cạnh tranh về số lượng chứ chưa về chất lượng. Trong ngắn hạn tạo nhanh số lượng thương nhân tham gia nhưng trung và dài hạn, không tạo ra những doanh nghiệp mang tính rường cột, hình thành sự cạnh tranh bền vững. Nếu để như này, nhiều doanh nghiệp chỉ đi thuê mượn lại tài sản đã có, ảnh hưởng đến phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng cho thị trường xăng dầu. Ngoài ra, việc điều hành quỹ bình ổn theo hướng công khai minh bạch còn nhiều vấn đề. Việc kiểm soát “chuỗi” từ sản xuất, phân phối đến đại lý và tổng đại lý chưa làm rõ trong Nghị định 84?.
Ông có thể cho biết những điểm mới trong Dự thảo nghị định sửa đổi?
Dự thảo sửa đổi 22/35 điều, bổ sung 2 điều. Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào các vấn đề đã được tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp… theo hướng cơ chế thị trường.
Trong sửa đổi về giá, dự thảo đưa ra 3 phương án. Hiện nay, dư luận đang nghiêng về phương án 1 (tương tự như phương án cũ của Nghị định 84). Chỉ có thay đổi về thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tăng hoặc giảm giá (từ 10 ngày lên 16 ngày) và mức độ giao cho DN tự định giá cũng giảm xuống từ 7% còn 5%. Tuy nhiên, thời gian này không cố định, có thể thay đổi tùy vào việc đề xuất của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng “nhịp” thời gian ban đầu vẫn là mức 15 ngày. Còn phương án 2 “Cố định mức giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày. Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, liên bộ Tài chính- Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên Bộ công bố”. Phương án này có ưu điểm ổn định giá hàng tháng, nhưng nhược điểm là giá trong nước phản ánh giá thế giới chậm hơn một nhịp; trong điều kiện giá xăng đầu thế giới tăng cao thì rất khó trong quản lý đầu cơ.
Về quỹ bình ổn, giá sẽ theo hướng công khai, minh bạch. Website của Bộ Tài chính sẽ hàng ngày công bố giá cơ sở; hàng quý, tháng công khai trích lục quỹ bình ổn được sử dụng như thế nào. Đối với hệ thống kinh doanh, không chỉ có nhà nước mà còn cả địa phương tham gia quản lý, doanh nghiệp đầu mối phải tham gia quản lý.
Xin cảm ơn ông!