Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng làm việc với Petrolimex Aviation và PJICO
CMSCChiều 11/12, tại Hà Nội, đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) do Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc tại hai doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO).
Đoàn công tác của Ủy ban làm việc tại Petrolimex Aviation
Tham dự buổi làm việc về phía Ủy ban có ông Ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, bà Vũ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ, ông Lê Bá Anh - Phó Chánh Văn phòng, ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin.
Về phía Petrolimex, có ông Trần Ngọc Năm - Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Nguyễn Văn Học - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation, ông Đào Nam Hải - Phó Tổng giám đốc Petrolimex, Tổng giám đốc PJICO cùng đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của Petrolimex và hai doanh nghiệp thành viên.
Ông Nguyễn Văn Học - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Học - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation cho biết, Petrolimex Aviation được thành lập từ tháng 4/2008, được sở hữu bởi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội và một số cổ đông nhỏ khác. Công ty là một trong 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chuyên doanh mặt hàng nhiên liệu hàng không (bên cạnh SKYPEC, TAPETCO, Dương Đông) và là một trong số ít doanh nghiệp (cùng SKYPEC, TAPETCO, NAFSC) được cấp phép cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không tại các cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam. Hiện nay, công ty đang cung cấp nhiên liệu hàng không cho 56 khách hàng trong nước và quốc tế tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua 12 năm hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển, Công ty tập trung vào việc mở rộng thị phần, khẳng định vị thế của Công ty trên thị trường. Hiện nay, công ty đã mở rộng thêm các điểm bán hàng tại Cam Ranh - Khánh Hòa, Cát Bi - Hải Phòng. Đáng chú ý, Công ty đã mở rộng các điểm bán hàng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thông qua hệ thống các đối tác của Công ty tại các sân bay quốc tế.
Trong bối cảnh, kinh tế thế giới và thị trường hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh trong kinh doanh nhiên liệu hàng không Jet A-1 diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức khác nhau, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc đã cùng toàn thể cán bộ nhân viên Công ty với tinh thần tích cực, chủ động bám sát tình hình diễn biến thị trường, đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cổ đông giao. Cụ thể, sản lượng của Công ty tăng mạnh qua các năm, đạt 1.333.116 m3 vào năm 2019 và từ năm 2014 tới nay, sản lượng bình quân tăng trưởng hơn 35%/năm. Tổng số lợi nhuận sau thuế 11 năm vừa qua của Công ty đạt được là 1.878 tỷ đồng; bình quân mỗi người lao động tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước 9,5 tỷ đồng.
Trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Lãnh đạo Công ty đã theo dõi sát sao, đôn đốc, chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện các công việc, cụ thể hóa chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo Tập đoàn, HĐQT Công ty thành nhiệm vụ cụ thể, chung tay ứng phó và đẩy lùi dịch bệnh.
Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, Tổng giám đốc Petrolimex Aviation đề nghị Ủy ban trao đổi với bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể về thủ tục giao đất, cho thuê đất tại các cảng hàng không sân bay; đề nghị Ủy ban báo cáo Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thanh khoản tờ khai Tạm nhập - Tái xuất nhiên liệu bay thêm ít nhất 60 ngày (lên 120 ngày, không kể thời gian được phép gia hạn theo quy định) trong suốt thời gian Chính phủ chưa mở lại hoàn toàn các chuyến bay thương mại quốc tế đi và đến. Bên cạnh đó, đề xuất Ủy ban ủng hộ đề án tái cấu trúc Công ty thành Tổng công ty tiến tới công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán (mở rộng phạm vi, quy mô, lĩnh vực hoạt động, tăng quy mô vốn…).
Ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Vụ chức năng đã tham gia ý kiến về công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển doanh nghiệp 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Petrolimex Aviation, việc thực hiện chế độ tiền lương cho người quản lý, lao động… tại doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Năm - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Petrolimex phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Tập đoàn có Ban Kế hoạch hóa có chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Tập đoàn về định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi toàn Tập đoàn. Đối với Tập đoàn, Petrolimex Aviation là doanh nghiệp Tập đoàn hợp nhất theo quy định của chế độ tài chính nên các chỉ tiêu kế hoạch của Petrolimex Aviation có ý nghĩa quan trọng đối với Tập đoàn. Do vậy, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này được Tập đoàn định hướng cụ thể, chặt chẽ. Các chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo của doanh nghiệp luôn được lãnh đạo Tập đoàn xem xét, rà soát cẩn thận để đảm bảo tính khả thi và sát hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Petrolimex Aviation
Phát biểu kết luận buổi làm việc với Petrolimex Aviation, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao nội dung báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về đề xuất cho phép kéo dài thời gian thanh khoản tờ khai Tạm nhập - Tái xuất nhiên liệu bay, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đề nghị Vụ Công nghiệp rà soát, tập hợp thêm số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bên cạnh Petrolimex Aviation để có báo cáo đề xuất lãnh đạo Ủy ban kiến nghị Chính phủ và trao đổi với các Bộ, ngành liên quan nếu phù hợp. Đối với đề xuất tái cấu trúc, thành lập Tổng công ty của Petrolimex Aviation, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng khẳng định, Ủy ban ủng hộ doanh nghiệp tiến hành, tuy nhiên đề nghị Petrolimex Aviation rà soát kỹ mô hình tổ chức hoạt động và có báo cáo Lãnh đạo Tập đoàn để bổ sung cơ sở cho báo cáo đề án tái cơ cấu toàn Tập đoàn trình Ủy ban xét duyệt. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng bày tỏ sự ấn tượng, đồng thời đánh giá cao quá trình hoạt động của Petrolimex Aviation thời gian qua, đặc biệt là khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp trong năm 2020 đầy biến động, khó khăn.
Đoàn công tác của Ủy ban làm việc với PJICO
Tại buổi làm việc với PJICO, ông Đào Nam Hải - Tổng giám đốc PJICO cho biết, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex trước đây là Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex thành lập từ tháng 6/1995, gồm 7 cổ đông sáng lập là những tổ chức kinh tế lớn của nhà nước, có tiềm năng, uy tín ở trong và ngoài nước. Tháng 7/2011, cổ phiếu của công ty được niêm yết trên sàn giao dịch HOSE với mã chứng khoán là PGI. Ngày 26/10/2011, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Bảo hiểm PJICO. Ngày 25/3/2013, công ty đổi tên thành Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex. Từ khi thành lập đến nay, PJICO luôn phấn đấu trở thành 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu trên thị trường Việt Nam về bảo hiểm phi nhân thọ, với mạng lưới hệ thống rộng khắp đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc. Theo kết quả xếp hạng được công bố bởi Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), PJICO đã lọt Top 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2020.
Ông Đào Nam Hải - Tổng giám đốc PJICO báo cáo đoàn công tác của Ủy ban
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát hiệu quả, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sau khi trải qua hai đợt dịch, tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng năm 2019. Với việc kiên định với chiến lược kinh doanh tập trung vào các tiêu chí Hiệu quả, Chất lượng, Bền vững, An toàn, trong năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của PJICO có nhiều đột phá, hoàn thành các kế hoạch Đại hội đồng cổ đông và HĐQT giao. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động kinh doanh PJICO trong năm 2020 ước đạt 4.082 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch năm. Doanh thu bán bảo hiểm qua cửa hàng xăng dầu Petrolimex năm 2020 tăng trưởng khoảng 30%; năng suất lao động bình quân tăng 15% so với năm 2019. Để hoàn thành kế hoạch năm 2019, PJICO đã áp dụng đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp gồm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Thực hiện kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tích cực mở rộng mạng lưới kinh doanh, hệ thống phân phối bán hàng; Duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc tế triển vọng tích cực với nền tảng tài chính bền vững; Đảy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về kiến nghị đối với Ủy ban với quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, Tổng giám đốc PJICO bày tỏ mong muốn Ủy ban xem xét trình các cấp có thẩm quyền cho phép Petrolimex tiếp tục nắm giữ vốn tại PJICO. Ngoài ra, để đảm bảo biên thanh toán tối thiểu theo quy định của pháp luật, PJICO kiến nghị Ủy ban cho phép doanh nghiệp được chia cổ tức theo hình thức phù hợp trong 3 năm (2021 - 2023).
Tại buổi làm việc với PJICO, lãnh đạo các Vụ chức năng của Ủy ban đã tham gia ý kiến về kết quả sản xuất, kinh doanh thời gian qua, chiến lược phát triển doanh nghiệp 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chế độ tiền lương cho người quản lý, lao động… tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận tại buổi làm việc với PJICO
Kết luận buổi làm việc với PJICO, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho rằng PJICO có sự đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của Tập đoàn. Về kiến nghị liên quan hình thức tiến hành tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn lực phát triển cho PJICO, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đề nghị Công ty nghiên cứu kỹ càng, có báo cáo cụ thể về dự báo phát triển quy mô nguồn vốn phù hợp với doanh thu thực tế, đảm bảo các quy đinh của pháp luật. Trong kế hoạch phát triển của PJICO gắn với chiến lược chung của Petrolimex, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cũng đề nghị Công ty có cách tiếp cận, tiến hành phù hợp đảm bảo nguồn cổ tức lợi nhuận cho Tập đoàn và trích lập nguồn tài chính dự phòng cho doanh nghiệp.