Petrolimex và những cam kết mạnh mẽ
Trung tuần tháng 4/2017, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dự kiến niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) - sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex |
Thưa ông, đâu là những điểm nhấn, dấu ấn mà Petrolimex đạt được sau khi cổ phần hóa? Việc cổ phần hóa tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn?
Cổ phần hóa đối với doanh nghiệp là điểm chuyển đổi hết sức quan trọng trong quá trình tái cấu trúc. Thực tế, hoạt động tái cấu trúc của Petrolimex diễn ra từ năm 2005, chính thức được Chính phủ quyết định từ năm 2010. Thời điểm chuyển thể cuối năm 2011, đầu năm 2012 là thời điểm bàn giao.
Điểm nhấn quan trọng trước hết là cấu trúc về tổ chức. Petrolimex là tập đoàn đa ngành, trong đó xăng dầu là trụ cột chính, các ngành nghề khác xoay quanh xăng dầu. Đặc biệt, trong hai năm 2012, 2013, hình thành một loạt tổng công ty như: Tổng công ty vận tải biển, hóa dầu, bảo hiểm, gas…; sắp xếp lại tổng công ty xây lắp thương mại, dịch vụ…
Bên cạnh đó, trong tái cấu trúc, điểm mấu chốt nhất là có sự tham gia của nhiều thành phần sở hữu khác, trong đó, đối tác chiến lược là nhân tố hết sức quan trọng. Năm 2015, tập đoàn sau gần 2 năm đàm phán đã lựa chọn đối tác chiến lược là Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản). Điều này được cụ thể hóa vào năm 2016, Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy đã mua lại 8% cổ phần của Petrolimex trên cơ sở giảm vốn nhà nước xuống còn 75%. Đây là dấu mốc quan trọng, chuyển từ tập đoàn kinh doanh mặt hàng nhạy cảm, có sự quản lý nhà nước thành công ty đại chúng quy mô lớn, mang tính chất công khai, minh bạch. Thực tế này minh chứng, tuy chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng Petrolimex đã là tập đoàn lớn, hoạt động công khai, minh bạch. Ngoài ra, HĐQT, Ban HĐQT và điều hành được cấu trúc và xây dựng lại theo hướng quản trị tiên tiến, quốc tế hóa nhưng vẫn ổn định về tổ chức và nhân sự; không để xảy ra tình trạng dôi dư lao động sau khi cổ phần hóa mà còn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Sau hơn 4 năm cổ phần hóa, tập đoàn đã thực hiện được cam kết với cổ đông về cổ tức (chia cổ tức 8%). Năng suất lao động sau khi cổ phần hóa gắn liền với quá trình sắp xếp, chuyên môn hóa. Trước khi cổ phần hóa, năng suất lao động chỉ đạt trung bình 23m3/người/tháng, nay đạt khoảng 33-35m3/người/tháng, gấp hơn 2 lần so với mặt bằng chung. Kết quả sản xuất kinh doanh luôn là điểm sáng, đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, thương hiệu Petrolimex được nâng tầm, trở thành 1 trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực châu Á.
Dự kiến, cổ phiếu Petrolimex chào sàn HOSE vào trung tuần tháng 4/2017. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với tập đoàn, thưa ông? Đâu là lý do Petrolimex lựa chọn niêm yết trên HOSE?
Việc Petrolimex lựa chọn niêm yết trên sàn HOSE sẽ giúp uy tín của tập đoàn được nâng cao đồng thời tăng khả năng thu hút vốn. Trên thực tế, dù trụ sở chính của tập đoàn tại TP. Hà Nội nhưng vẫn lựa chọn niêm yết ở HOSE (TP. Hồ Chí Minh) bởi HOSE có yêu cầu cao cho doanh nghiệp niêm yết, gần chuẩn mực quốc tế hơn và cũng giúp nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng hơn vào doanh nghiệp. Đáng chú ý, HOSE có chỉ số VN30 - chỉ số của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu. Rõ ràng, với một tập đoàn như Petrolimex, việc lọt vào 1 trong 30 công ty nêu trên là đòi hỏi tất yếu. Thêm nữa, việc niêm yết trên HOSE cũng là tiền đề quan trọng để Petrolimex hướng tới việc niêm yết trên sàn quốc tế trong tương lai.
Về vấn đề niêm yết trên sàn quốc tế, đây là quyết định của Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, HĐQT cũng có chiến lược gắn với quá trình huy động phục vụ cho những dự án mang tính chiến lược dài hạn của tập đoàn như lọc dầu Nam Vân Phong, mở rộng lĩnh vực khí hóa lỏng tự nhiên và một số dự án năng lượng mà Petrolimex đóng góp dịch vụ logistics, nguyên liệu. Mới đây, Petrolimex đã tổ chức gặp gỡ các quỹ đầu tư nước ngoài. Hầu hết các quỹ đầu tư quốc tế nói chung, nhà đầu tư nói riêng hết sức quan tâm đến cổ phiếu Petrolimex. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Ông có thể cho biết, sau khi niêm yết trên sàn HOSE, tập đoàn có những mục tiêu, chiến lược trọng tâm nào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu hút vốn của nhà đầu tư?
Trong chiến lược phát triển, Petrolimex xây dựng kế hoạch 5 năm và có tầm nhìn xa hơn nữa. Tuy nhiên, đối với một tập đoàn hoạt động gắn chặt với quản lý nhà nước, Petrolimex đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong 3 năm (trong kế hoạch dài hạn 5-10 năm). Trong 3 năm, các cam kết với cổ đông rất rõ ràng, chỉ tiêu về sản lượng, lợi nhuận hết sức minh bạch, nêu cao trách nhiệm thực thi những kế hoạch của Ban quản trị, điều hành nhưng cũng có trách nhiệm giải trình
Để đạt được kế hoạch 3 năm, rõ ràng, những giải pháp trong tổ chức kinh doanh ngoài đáp ứng từng năm một cũng phải đáp ứng chiến lược phát triển tương đối dài hạn, như đối với (trong kế hoạch dài hạn 5-10 năm) mạng lưới bán lẻ trên cả nước, kể cả tại Lào hay Singapore, tất cả đã nằm trong chiến lược chung.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ nâng cao trách nhiệm của nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp, bao gồm cả trách nhiệm giải trình. Lên sàn không phải là thêm dự án nào nhưng những cam kết với nhà đầu tư, cổ đông trở lên rõ ràng hơn và trách nhiệm giải trình cũng cao hơn. Hiện tại, những cam kết với nhà đầu tư là thông qua đại hội cổ đông, nhưng trong 3 năm tới, Petrolimex không chia cổ tức thấp hơn 12% - đây là cam kết mạnh mẽ của tập đoàn.
Hoạt động của những công ty con cũng như lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tập đoàn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Xin ông có thể nói rõ hơn về những nội dung trên?
Trong kết cấu về doanh thu và lợi nhuận, có thể nói, gần 40% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu. Tỷ lệ này dần dần sẽ lớn lên. Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh ngoài xăng dầu đóng góp khoảng 50%. Có thể khẳng định Petrolimex là tập đoàn đa ngành, nhưng đa ngành mang tính chất lịch sử chứ không phải đầu tư ngoài ngành.
Chiến lược của Petrolimex liên quan đến những yếu tố: Dài hạn, xoay quanh trục kinh doanh xăng dầu để phối kết hợp, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Hiện tại, 5 tổng công ty thuộc Petrolimex đều đứng ở vị trí hàng đầu lĩnh vực đang hoạt động. Điều này khẳng định chính sách của Petrolimex nằm trong xu hướng chung. Kinh doanh xăng dầu không thể có lợi nhuận lớn bởi đây là mặt hàng nhạy cảm, được nhà nước quản lý, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế- xã hội. Do đó, Petrolimex xác định, bên cạnh trục chính xăng dầu, tập đoàn tạo giá trị gia tăng trên cơ sở những ngành nghề sản xuất, kinh doanh gas, hóa dầu, vận tải hay dịch vụ tài chính…
Trong xu thế tất yếu, Petrolimex phải giảm vốn nhà nước, phù hợp với lộ trình và việc đầu tư các dự án lớn. Năm 2017 và 2018, Petrolimex đặt ra việc giảm vốn nhà nước xuống còn 65%. Năm 2020, tỷ lệ vốn nhà nước tại tập đoàn còn 51%.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng của Petrolimex sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán?
Chắc chắn với kết quả thu được sau 5 năm cổ phần hóa cũng như trên chặng đường tái cấu trúc trở thành tập đoàn lớn mạnh và năng động của Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, sau khi lên sàn, với giá trị vốn hóa của mình, Petrolimex sẽ trở thành một trong nhưng doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là áp lực lớn đối với HĐQT, Ban điều hành, nhưng mặt khác, đem lại cho cổ đông những giá trị hiện hữu từ cổ phiếu…
Xin cảm ơn ông!