Vững vàng trong gian khó
Nghề xăng dầu là cái nghề vất vả. Kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay là công việc gian khó. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng, tập thể Petrolimex Đồng Nai vẫn vững vàng vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ
Cũng như các Công ty xăng dầu trên địa bàn Đông Nam Bộ, nơi có nhiều sông nước, Công ty Xăng dầu Đồng Nai phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt với loại xăng dầu không rõ nguồn gốc. Theo Giám đốc Phạm Văn Nam, xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc này có giá bán thấp hơn từ 2.000 - 2.500 đồng, có lúc lên đến 3.000 đồng.
Lãnh đạo Công ty khẳng định, không thể cạnh tranh bằng giá với xăng dầu không rõ nguồn gốc vì giá chênh lệch rất lớn, cũng không cạnh tranh bằng giá với các đầu mối xăng dầu khác vì giá là ngang nhau, do đó, Petrolimex ở đâu cũng là một, chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ.
Chất lượng sản phẩm của Petrolimex đã được đóng đinh bằng giá trị của thương hiệu, tạo niềm tin nơi khách hàng. Đó là thế mạnh vượt trội không thể phủ nhận. Vấn đề của mỗi Công ty, trên mỗi địa bàn là đề ra những chiến lược cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương nhằm phát triển dịch vụ, tạo sự thoải mái, thuận tiện cho khách hàng, từ “vừa lòng” khi đi thì sẽ “vui lòng” tìm đến những lần sau.
Tại Đồng Nai, để mở mới một CHXD là chuyện vô cùng khó khăn. Số lượng CHXD trên địa bàn đã gần bão hòa, mặt khác, theo Giám đốc Phạm Văn Nam, thủ tục xin cấp phép gặp rất nhiều trở ngại. Giám đốc cho biết “Chưa thể phát triển về chiều rộng thì chúng tôi phát triển chiều sâu”.
Công ty đã lựa chọn các CHXD có thế mạnh để đầu tư, cải tạo và ứng dụng hệ thống nhận diện theo quy chuẩn mới. 02 CHXD nằm trong “chiến lược” này là CHXD Thống Nhất và CHXD Xuân Hưng đã có năng suất tăng cao vượt trội. Sau hai năm, sản lượng của 02 cửa hàng này tăng gấp đôi, hiện CHXD Xuân Hưng là 800 m3, còn CHXD Thống Nhất khoảng 900 m3 - 950 m3. Riêng Thống Nhất là Cửa hàng có số lượng giao dịch qua thẻ Flexicard và ATM cao nhất Công ty và thuộc top đầu của Tập đoàn, chiếm 70%.
Tuy nhiên, Thống Nhất và Xuân Hưng chỉ là 2 trong số 35 cửa hàng của Công ty có sản lượng cao vượt trội, nhờ vị trí đắc địa nằm trên tuyến Quốc lộ, được đầu tư kinh phí để nâng cấp, còn lại, phần lớn các CHXD của Petrolimex Đồng Nai đều có sản lượng khá thấp. Có những cửa hàng nằm trong khu dân cư thưa thớt, xung quanh là bạt ngàn rừng cao su, tình hình kinh doanh vô cùng khó khăn. Sản lượng chỉ từ vài chục đến một trăm mét khối xăng.
Vậy, làm thế nào để nâng cao sản lượng của các cửa hàng còn yếu thế? Xác định con người là yếu tố quyết định, Lãnh đạo Công ty đã tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực từ cửa hàng trưởng đến nhân viên bán hàng. Bên cạnh đó, Công ty tăng cường giám sát, chấm điểm các cửa hàng trưởng, cọ sát giữa các cửa hàng trưởng với nhau; phát hiện nhân tố điển hình để điều động, bổ nhiệm cửa hàng trưởng … Sau một thời gian, chất lượng phục vụ từ các cửa hàng được cải thiện rõ nét, công tác tiếp thị được đẩymạnh, góp phần nâng cao sản lượng bán hàng của các CHXD Petrolimex trên địa bàn Đồng Nai.
Thúc đẩy Dự án Kho cảng Long Bình Tân
Vấn đề tạo nguồn logistic cũng là một trong những trăn trở lâu nay của Ban lãnh đạo Petrolimex Đồng Nai. Hiện nay, lượng xăng dầu của Công ty được nhập từ Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (TP HCM). Sau khi nhập hàng, xăng dầu sẽ được chuyển về Kho Biên Hòa (nằm trong nội thành) và Kho Long Bình Tân.
Đoàn công tác đến thăm Kho Biên Hòa khi trời đã nhá nhem tối
Việc vận chuyển hàng từ TP HCM về Biên Hòa dẫn đến chi phí bị đẩy lên là một trở ngại rất lớn cho Petrolimex Đồng Nai. Bên cạnh đó, hiện Kho Biên Hòa đang thuộc diện quy hoạch, UBND tỉnh sẽ thu hồi đất phục vụ công ích. Nếu trong thời gian ngắn sắp tới, khi giấy phép sử dụng Kho Biên Hòa hết hạn (Công ty phải xin cấp theo từng năm, hiện cũng chỉ đến 2018 là hết hạn) và Dự án mở rộng, xây mới Kho cảng xăng dầu Long Bình Tân không sớm được phê duyệt thì Công ty sẽ phải đối mặt với một thách thức rất lớn về nguồn hàng.
Điểm Kho xăng dầu Long Bình Tân đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt thành cụm cảng xăng dầu với quy mô 11 hecta, trong đó, kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu Đồng Nai hiện có 1,7 hecta; Công ty đang đề xuất xin mở rộng thêm 2,1 hecta, nâng tổng diện tích kho của Petrolimex Đồng Nai lên 3,8 hecta. Tuy nhiên, từ tháng 4/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ phê duyệt Cụm cảng xăng dầu này nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Giám đốc Phạm Văn Nam chia sẻ, nếu Dự án được triển khai (với sức chứa 30.000 m3, hệ thống cầu cảng tiếp nhận được tàu biển 6.000 DWT để tạo nguồn chuyển thẳng từ Dung Quất, Vân Phong, Nghi Sơn… phục vụ nhu cầu của Công ty và một số đối tác đã có cam kết), Công ty sẽ có đà phát triển rất thuận lợi, có thể cạnh tranh với các đầu mối khác tham gia kinh doanh trên địa bàn để gia tăng sản lượng và thị phần.