Bảo vệ môi trường trách nhiệm không của riêng ai
(TN&MT) - Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, là lợi ích thiết thực và cao hơn nữa đó là trách nhiệm xã hội là sự phát triển cho tương lai của một doanh nghiệp.
Chính từ nhận thức này nên năm 2017, Petrolimex là đơn vị duy nhất trong ngành Công Thương đạt Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa Báo Tài nguyên và Môi trường và ông Vương Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Petrolimex.
PV: Petrolimex là một trong 50 đơn vị được vinh danh tại buổi trao Giải thưởng Môi trường 2017, xin ông cho biết cảm xúc của mình khi Petrolimex được vinh danh tại Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm nay?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Nói thật là tôi rất xúc động khi biết Petrolimex đã đạt Giải thưởng Môi trường 2017. Điều này đã chứng tỏ quan điểm và hành động của Petrolimex về đầu tư trong công tác BVMT cho sự phát triển của tương lai từ khi đi vào hoạt động luôn đúng, đã được ghi nhận và đến ngày hôm nay thì được vinh danh.
PV: Giải thưởng Môi trường Việt Nam nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tích của tổ chức, cá nhân, cộng đồng có thành tích xuất sắc được xã hội công nhận, giải quyết thành công ít nhất một vấn đề môi trường. Riêng với Petrolimex, để đạt giải, điều gì là quyết định hơn cả?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Đó là nhận thức, là sự đồng lòng từ người lãnh đạo cao nhất đến người lao động. Tôi cho rằng Giải thưởng Môi trường 2017 dành cho Petrolimex là sự ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác BVMT của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, là sự động viên đối với tất cả những người làm công tác này nói riêng, toàn thể người lao động Petrolimex nói chung. Bởi tôi nghĩ rằng, ở Petrolimex, BVMT là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả người lao động trong Tập đoàn. Nếu những người lao động trong Tập đoàn không nhận thức được điều này, không đồng lòng thì sẽ không hiệu quả. Đây chính là giải thưởng của tất cả người lao động của ngành Xăng dầu trên tất cả mọi vùng miền tổ quốc.
Petrolimex lắp đặt hệ thống thu hồi hơi khi nhập hàng tại CHXD từ năm 2007
PV: Việc Petrolimex đã tham gia đề tài Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực BVMT điều đó cho thấy sự nỗ lực tìm tòi nghiên cứu các giải pháp nhằm BVMT của Petrolimex trong thời gian qua?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Khẳng định việc đầu tư đầu tư trang thiết bị, nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật tại các công trình xăng dầu thì Petrolimex là đơn vị tích cực, chủ động triển khai, nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều giải pháp BVMT như: Sáng kiến thiết bị báo tràn bể tự động nhằm cảnh báo và hạn chế các sự cố tràn dầu trong quá trình nhập - xuất tại các kho xăng dầu; Cải tạo, lắp đặt mái phao đối với các bể chứa làm giảm hao hụt, giảm phát thải ô nhiễm môi trường không khí do xăng dầu bay hơi; Hệ thống thu hồi hơi khi nhập hàng tại CHXD; Hệ thống nhập kín tại bến xuất trong các kho xăng dầu; Đầu tư thử nghiệm bồn chứa ngầm 2 lớp chống rò rỉ xăng dầu và cảnh báo nguy cơ mất an toàn năm 2014. Cùng với đó, Petrolimex xây dựng các bộ tiêu chuẩn, các quy trình, quy phạm riêng thực hiện tại các công trình xăng dầu.
PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về những đóng góp đối với sự nghiệp BVMT trong lĩnh vực xăng dầu những năm gần đây?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Có thể khẳng định, công tác đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao an toàn phòng cháy chữa cháy và giảm thiểu tác động có hại tới môi trường luôn được Tập đoàn quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hàng năm, Tập đoàn đã dành 6,5 - 7% tổng kinh phí đầu tư để đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, Petrolimex chú trọng nhất với hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Hiện nay, tại các công trình xăng dầu, để phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu, toàn bộ các kho của Tập đoàn đều được thiết kế đê ngăn cháy đảm bảo chịu được áp lực thủy tĩnh lớn nhất trong trường hợp bể gặp sự cố, xăng dầu tràn ra bên ngoài (theo TCVN 5307:2009). Tất cả các kho cảng dầu đều đã xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu và được cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định; được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết như phao quây, bơm hút dầu tràn, chất thấm dầu…. để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố tràn dầu xảy ra. Trong 10 năm qua, Tập đoàn đã đầu tư, trang bị gần 10.000 mét phao quây dầu cho hầu hết các cảng biển, cảng sông quan trọng, đầu tư các tàu kéo, tàu lai dắt để phục vụ ứng cứu sự cố tràn dầu. Đối với các sự cố tràn dầu, rò rỉ ở mức độ nhỏ có thể xảy ra tại các cửa hàng xăng dầu (CHXD) đều đã được qui định cụ thể về qui trình xử lý, ứng phó trong phương án PCCC, ứng phó tràn dầu và bảo vệ môi trường tại CHXD. Các loại dầu tràn, rò rỉ ... được thu hồi và quản lý như chất thải nguy hại theo qui định. Hiện tại toàn bộ các CHXD trực thuộc Tập đoàn đang triển khai xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định 02/2013/QĐ-TTg về Qui chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ngày 14/01/2013 của Chính Phủ.
Thứ hai, chúng tôi nỗ lực trong việc hạn chế, thu hồi hơi xăng dầu. Tại các kho xăng dầu, Petrolimex hoàn thành trang bị lắp đặt mái phao và sơn phản nhiệt cho toàn bộ các bể chứa xăng nhằm giảm hao hụt và hạn chế được trên 90% lượng hơi xăng dầu khuếch tán gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu duy nhất áp dụng công nghệ nhập kín và thu hồi hơi xăng dầu tại toàn bộ hơn 3.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát nguy cơ cháy nổ đối với các cửa hàng xăng dầu. Đây là việc làm tự nguyện của Petrolimex và đến nay vẫn là đơn vị tiên phong trong việc là này tại Việt Nam. Thành công tiếp theo là hệ thống thu hồi hơi xăng dầu (VRU) hoàn thành đưa vào sử dụng tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang - Hà Nội năm 2015. Tiếp đến là Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đang chuẩn bị triển khai lắp đặt hệ thống thống VRU. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác BVMT nhằm đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về BVMT của nhà nước và trách nhiệm với xã hội.
Thu hồi hơi xăng trong quá trinh xuất nhập hàng
PV: Để cả hệ thống vào cuộc là một việc không hề đơn giản. Vậy Petrolimex có những khó khăn và thuận lợi gì đặc thù khi triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội trong toàn hệ thống của mình?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Thật sự làm việc gì cũng khó nhưng vì mục tiêu chung và hơn hết đó là nhân văn, là văn hóa doanh nghiệp là thương hiệu của doanh nghiệp và chính là sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp thì tôi nghĩ rằng sẽ giải quyết được hết. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất chính ở Petrolimex chính là đã làm cho mỗi người lao động, ở mỗi vị trí khác nhau, đều hiểu việc thực hiện tốt công tác BVMT chính là tốt cho bản thân mình trước tiên. Được làm việc trong một môi trường ít ô nhiễm, sạch sẽ, người công nhân sẽ mạnh khỏe, có điều kiện cống hiến tốt hơn cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phát triển ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn dĩ nhiên sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn cho người lao động. Mối quan hệ tương hỗ này thực sự hết sức thực tế, không hề sách vở chút nào. Nhận thức rõ mối lợi này, cả hệ thống sẽ tự giác thực hiện mà không phải đùn đẩy, không phải giục giã hay bắt ép gì. Làm cho chính mình thì ai cũng sẽ làm bằng cả tinh thần trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!