Nghĩa tình 30a nơi biên cương Tổ quốc

Thu Hường

11:37 SA @ Chủ Nhật - 10 Tháng Sáu, 2018

Từ TP Hà Giang lên đến huyện Đồng Văn chỉ có 145 km nhưng phải mất gần 6 giờ vượt qua những cung đường hiểm trở. Với hơn 80% diện tích là núi đá lởm chởm, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống mưu sinh của đồng bào người Mông, Dao, Lô Lô… nơi vùng đất biên cương phải đối mặt với rất khó khăn.

Ở nơi chỉ có đá là không thiếu

Ở Đồng Văn, với địa hình phần lớn là núi đá, cuộc sống mưu sinh của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đúng với tên gọi cao nguyên đá, ở Đồng Văn, đâu đâu cũng thấy núi đá. Đá chồng lên đá, đá đan vào đá chạt sát theo những cung đường đèo cua tay áo và dốc đứng đến rợn người. Giữa điệp trùng núi đá, nơi chỉ có đá là không thiếu, từ bao đời nay ngô là loại cây duy nhất có thể sinh trưởng ở mảnh đất khắc nghiệt này.

Trên đường đi từ thị trấn Đồng Văn lên Lũng Cú, chúng tôi gặp chị Vàng Thị Say đang gùi đất từ vùng thấp để đổ vào từng hốc đá để trồng ngô. Giữa những mô đá tai mèo sắc nhọn tưởng chừng có thể đâm nát chân người vẫn thừa ra những hốc đá trống, chị Say cũng như những người dân ở vùng cao nguyên đá đã tận dụng chúng để đổ đất, gieo hạt.

Với hơn 80% diện tích đất của Đồng Văn là trồng ngô, ngô là nguồn lương thực chính nuôi dưỡng người dân vùng cao. Các món ăn nổi tiếng của người dân nơi đây cũng chế biến từ ngô như mèn mén, bánh ngô, rượu ngô… Sở dĩ, ngô là loại cây trồng gắn liền với cuộc sống của người dân Đồng Văn vì chỉ có cây ngô mới phát triển được ở vùng đất có thiên nhiên khắc nghiệt, khô cằn, thiếu cả đất và nước tưới.

Tuy nhiên, cuộc sống mưu sinh chỉ trông chờ vào những diên tích trồng ngô ít ỏi và năng suất thấp không thể giúp người dân Đồng Văn thoát nghèo. Những năm gần đây, người dân đã chuyển sang trồng cây ngô lai, năng suất cao hơn. Nhưng năm nào có mưa, trồng ngô có năng suất cao, người dân mới tạm đủ ăn. Còn lại, khi thời tiết hạn hán, ngô không trổ bông thì bà con lại rơi vào cảnh đói ăn.

Trên những nẻo đường của huyện Đồng Văn, không khó để chúng tôi nhận ra những những ngôi nhà trên vách núi đá đa phần vẫn chỉ là nhà tranh, vách nứa, nhà trình tường xập xệ; không ít em nhỏ thay vì đi học vẫn phải lang thang cùng cha mẹ trên nương rẫy…

Những công trình 30a giúp đổi thay vùng đất biên cương

Mặc dù cái nghèo vẫn còn đeo bám, những cuộc sống người dân Đồng Văn đã có nhiều đổi thay kể từ khi nhận được sự hỗ trợ của các chính sách an sinh xã hội. Điều chúng tôi ấn tượng nhất ở huyện nghèo Đồng Văn là những công trình trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang, nổi bật đang giúp người dân của vùng đất biên cương có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Học sinh trường PTCS Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) vui mừng vì được học tập tại những ngôi trường khang trang.

Trường THCS Đồng Văn là một trong những công trình lớn nhất của huyện nghèo Đồng Văn được xây dựng từ nguồn vốn 30a do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trao tặng. Ngôi trường 3 tầng màu vàng tươi nổi bật bên những dãy núi đá tai mèo sừng sững là nơi học tập của hàng trăm học sinh dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo...

Cô Đỗ Thị Kim Lý, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Văn cho biết: Hiện nay, nhà trường là nơi học tập của 373 học sinh trong đó có 169 học sinh bán trú là con em của đồng bào dân tộc từ lớp 6 đến lớp 9 của 8 xã thuộc huyện Đồng Văn. Từ khi có trường học cao tầng với đầy đủ phòng học và trang thiết bị học tập, học sinh không còn phải học 2 ca như trước, tỷ lệ các học sinh bỏ học hàng năm giảm rõ rệt.

Cách trường PTCS Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) 25km là trường Tiểu học bán trú dân nuôi xã Lũng Cú, ngôi trường nằm ở điểm địa đầu cực Bắc xa xôi nhất của Tổ quốc. Đây là nơi học tập của 650 học sinh, trong đó có 237 học sinh dân tộc được học bán trú. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Lợi cho biết: Với địa hình đi lại hết sức khó khăn, có những em học sinh nhà ở cách trường tới gần 10 km nhưng đi từ nhà đến trường có khi phải đi mất cả nửa ngày đường. Nếu không có những điểm trường bán trú thì khó thu hút học sinh đến lớp.


Học sinh trường Tiểu học bán trú dân nuôi xã Lũng Cú do Petrolimex tài trợ giúp các em học sinh dân tộc có điều kiện học tập tốt hơn.

Thầy Nguyễn Văn Lợi cũng vui mừng cho biết:“ Hiện nay, nhà trường vẫn phải sắp xếp học sinh nội trú ở tạm cuối các phòng học nhưng năm học mới 2018-2019 tới đây, khi Petrolimex giúp xây dựng thêm một dãy nhà 3 tầng với quy mô 10 phòng chức năng, học sinh dân tộc sẽ được ở bán trú riêng, nhà trường cũng có thêm các phòng chức năng để giúp nâng cao chất lượng học tập”.

Trường PTCS Đồng Văn, Trưởng tiểu học xã Lũng Cú… chỉ là một trong rất nhiều những công trình hạ tầng được xây dựng từ nguồn vốn chương trình 30a do Petrolimex tài trợ xây dựng. Trong gần 10 năm thực hiện chương trình 30a, Petrolimex hỗ trợ gần 78 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ riêng huyện Đồng Văn 70 tỷ đồng để xây dựng trường học, ký túc xá, xóa nhà tạm và đầu tư trang thiết bị y tế… để người dân vùng biên cương xa xôi được hưởng những phúc lợi xã hội thiết thực.

Bệnh viện huyện Đồng Văn, cũng là một trong những công trình được xây dựng bằng nguồn vốn 30a do Petrolimex tài trợ.

Tại bệnh viện huyện Đồng Văn, Giám đốc Bệnh viện, Bác sỹ Phạm Đình Phẩm cho biết: Trước đây, việc cứu chữa bệnh nhân là hết sức khó khăn. Do thiếu trang thiết bị y tế, bệnh viện huyện chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải đưa về tuyến trên. Nhưng, kể từ khi được Petrolimex tài trợ trang thiết bị y tế thì điều kiện khám chữa bệnh của bệnh viện đã được cải thiện rất nhiều.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững với 64 huyện nghèo (Chương trình 30a) là chủ trương hết sức đúng đắn. Từ khi Chính phủ có chủ trương thực hiện chương trình 30a, Petrolimex nhanh chóng vào cuộc để góp phần tạo nên cuộc “cách mạng” về cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo Đồng Văn.


Trường PTCS Đồng Văn khang trang và nổi bật giữa vùng cao nguyên đá.

Huyện Đồng Văn gồm 17 xã và 2 thị trấn, có 9/19 xã thị trấn giáp biên giới Trung Quốc, có 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 88,4%, còn lại là các dân tộc khác như: Tày, Giấy, LôLô, Pu Péo, Hoa, Hán… Đây là một trong những huyện khó khăn nhất của Hà Giang, 1 trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước.

Đến nay, chương trình 30a cùng với các chương trình an sinh xã hội khác của Chính phủ tại huyện Đồng Văn đã phát huy nhiều tác dụng thiết thiết thực. Qua 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 80% hộ nghèo và đến nay giảm còn 50%, thu nhập bình quân đầu người từ trên 8 triệu đồng lên 18 triệu đồng; tỷ lệ kiên cố trường lớp học từ trên 40% tăng lên 80%; tỷ lệ học sinh đến trường tăng lên 97%.

Dấu ấn nghĩa tình Petrolimex

Đi đến đâu ở Đồng Văn, chúng tôi cũng thấy dấu ấn nghĩa tình của Petrolimex. Anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang không nhớ hết mình đã lên Đồng Văn bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, anh đã thuộc từng cung đường, từng khúc cua tay áo bởi đã rất nhiều lần trong hàng chục năm qua cùng anh chị em của Petrolimex “cõng” chương trình 30a lên cao nguyên đá Đồng Văn.

Anh Dũng kể, bây giờ đường sá thuận lợi hơn thì đi từ TP Hà Giang lên đến Đồng Văn chỉ mất 5 - 6 giờ, còn trước đây, phải mất cả ngày. Có những bản làng của người Mông, người Lô Lô… nằm cách biệt các khu dân cư, để đến được phải đi bộ cả nửa ngày đường cũng đã in dấu chân của người Petrolimex. Nhưng, có lên đến tận nơi, tìm hiểu sát cuộc sống của từng người dân mới nắm bắt được chính xác nhất nhu cầu hỗ trợ.

Ông Đỗ Quốc Chính, Phó trưởng phòng Quan hệ Công chúng Petrolimex cũng cho biết, Petrolimex không phải chỉ là đơn vị rót vốn cho địa phương mà đã luôn kề vai, sát cánh với huyện Đồng Văn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ một cách chính xác nhất. Đồng Văn nghèo khó, xa xôi đã trở thành quen thuộc đến nỗi, mỗi khi lên đến đây, người Petrolimex đều có cảm giác như trở về quê mình, nhà mình, nơi rất quen thuộc và ấm áp nghĩa tình.

Nghĩa tình của Petrolimex ở Đồng Văn, không chỉ được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện mà cả bà con dân tộc thật thà, chất phác cũng ghi nhận. Anh Vàng Gỉ Xuyến, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú là một trong những hộ dân được Petrolimex hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà năm 2010 cho biết: Nếu chỉ trông vào 2-3 tạ ngô thu hoạch mỗi năm (bán được 2 triệu đồng) và việc đi làm phụ hồ xây dựng thì vợ chồng anh chắc đến bây giờ vẫn phải ở trong ngôi nhà trình tường dột nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bởi thế, biết tin đến thăm nhà có cả các anh “xăng dầu”, anh Vàng Gỉ Xuyến đã bỏ cả công việc làm thuê ở thị trấn huyện Đồng Văn để đợi nói lời cảm ơn với những người đã giúp mình khoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất.

Gia đình anh Vàng Gỉ Xuyến, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú là một trong những hộ dân trợ được Petrolimex hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm năm 2010.

Sau 10 năm thực hiện chương trình 30a, Đồng Văn những ngày này vẫn còn trăn trở với việc giảm nghèo nhưng tận mắt chứng kiến cuộc sống đang thay đổi từng ngày của người dân các bản làng, ngắm nhìn ánh mắt tươi vui của các em nhỏ trong những ngôi trường mới, cảm nhận tấm lòng của cán bộ, công nhân viên Petrolimex và cả sự quyết tâm đổi mới của chính quyền huyện Đồng Văn, chúng tôi tin rằng mảnh đất biên cương này sẽ nhanh chóng vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh: Chương trình 30a được thực hiện ở 64 huyện nghèo trong cả nước, trong đó riêng tỉnh Hà Giang có 6 huyện nghèo tham gia chương trình 30a. Tỉnh Hà Giang đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Petrolimex đối với công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Đồng Văn. Trong 10 năm qua, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Đồng Văn lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình 30a, chương trình 135 để quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hà Giang đạt được mục tiêu giảm nghèo 7% hàng năm, riêng với Đồng Văn cũng đã đảm bảo được mục tiêu giảm nghèo và đặc biệt là hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm… và các chỉ tiêu tăng trưởng của huyện Đồng Văn đã được cải thiện rõ rệt”.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội