Tại sao phải quản lý nhãn hiệu một cách triệt để?
Làm tốt công tác nhãn hiệu là góp phần làm tốt khâu quản lý chất lượng hàng hóa, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh (cạnh tranh trên cơ sở một mặt hàng như nhau phải có chất lượng như nhau), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bên cạnh đó, là công tác phòng chống cháy nổ...
Sự quan trọng của nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu nhận diện hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực; giúp khách hàng nhận biết, lựa chọn đúng hàng hóa/dịch vụ, nhà sản xuất/cung cấp.
Làm tốt công tác nhãn hiệu có mấy tác dụng:
Một là, tạo lập thị trường lành mạnh để kinh doanh, cạnh tranh.
Hai là, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bị chọn nhầm hàng hóa/dịch vụ và nhà sản xuất/cung cấp.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với mặt hàng xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng lỏng, không bao bì, có thể pha trộn, khó xác định sự khác biệt chất lượng bằng mắt thường. Người tiêu dùng thường chọn mua xăng dầu dựa trên niềm tin đối với nhà cung cấp.
Đó chính là sự khác biệt giữa xăng dầu với các hàng hóa khác có bao bì.
Chính vì vậy, trong quản lý xăng dầu, Nhà nước quy định mỗi doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu chỉ được làm đại lý cho một doanh nghiệp đầu mối. Ở Lào, Campuchia, các nước khác - cũng đều như vậy.
Quy định này tại Việt Nam là hết sức cần thiết, cần duy trì và quản lý trên thực tế.
Làm tốt công tác nhãn hiệu là góp phần làm tốt khâu quản lý chất lượng hàng hóa, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh (cạnh tranh trên cơ sở một mặt hàng như nhau phải có chất lượng như nhau), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bên cạnh đó, là công tác phòng chống cháy nổ, v.v…
Một trong những cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Petrolimex
Thực tiễn ở Việt Nam
Đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này được công bố.
Người tiêu dùng thì cứ nhìn thấy logo có chữ “P” thì vào mua xăng.
Cho đến khi Bản tin thời sự lúc 19h00 ngày 22.8.2012 Đài truyền hình Việt Nam đưa tin Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, xử phạt cửa hàng xăng dầu số 2 củaCông ty TNHH thương mại Anh Tuấn (xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình)thì mới té ra là có nhiều doanh nghiệp không phải là đại lý của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng nhãn hiệu Petrolimex đến như vậy. Trong trường hợp này, người tiêu dùng cứ tưởng mua được xăng Petrolimex hóa ra không phải là xăng Petrolimex.
Trong bộn bề các vấn đề xoay quanh quản lý “giọt xăng” rõ ràng là quản lý nhãn hiệu là một khâu không thể bỏ qua.
Một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội vi phạm nhãn hiệu của Petrolimex
Quản lý nhãn hiệu xăng dầu như thế nào?
Có 4 vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dưới hình thức đại lý phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương phải tích cực, chủ động; coi công tác quản lý nhãn hiệu xăng dầu là việc làm thường xuyên, cần sớm đưa vào nề nếp.
Thứ ba, doanh nghiệp đầu mối (bên giao đại lý) phải chủ động đẩy mạnh công tác bảo vệ nhãn hiệu của mình.
Thứ tư, người tiêu dùng hãy quan tâm đến việc sử dụng quyền của mình khi lựa chọn cửa hàng nào để mua xăng dầu.
Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang nỗ lực tiếp tục hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo hướng “thị trường có sự quản lý của nhà nước”; khắc phục các bất cập gây bức xúc của dư luận, của doanh nghiệp, của người tiêu dùng trong thời gian qua.
Với cơ chế thị trường, doanh nghiệp nào làm ăn đường hoàng sẽ tồn tại, phát triển bền vững; bởi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở lên thông minh hơn.
Với sự quản lý nhà nước; thiết nghĩ, Nghị định 84 sửa đổi sắp tới sẽ có một bước tiến hiệu quả hơn trong việc quản lý nhãn hiệu xăng dầu tại Việt Nam.