Kỳ tích Pjtaco
Cổ phần hóa tạo ra môi trường, còn sự thành bại luôn nằm ở chính doanh nghiệp: ở tầm nhìn, ở khát vọng đi lên và ở tinh thần vượt khó. Tới đây là CPTTP, mong rằng đất nước mình ngày càng có nhiều doanh nghiệp lập kỳ tích như Pjtaco trong câu chuyện dưới đây.
Khởi nghiệp với 13 tỷ đồng và 3 cái khó
Năm 1999 khi cổ phần hóa Xí nghiệp vận tải xăng dầu đường sông (trực thuộc Vitaco) để trở thành Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex (Pjtaco) thì đơn vị được coi là khó khăn nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Thứ nhất, khó vì giá trị sổ sách lúc đó rất nhỏ, về bản chất, Xí nghiệp gần như 1 cái phòng của Vitaco. Khó vì làm ăn không hiệu quả, cho nên đã có những đề xuất theo hướng giải thể xí nghiệp này. Khó vì cổ phần hóa xong, với nền tảng công nghệ lạc hậu, công nhân tay nghề thấp, tầm hoạt động của đơn vị chỉ trong phạm vi của ngành, vận tải từ Nhà Bè sang miền Tây, từ Đồng Nai, Sông Bé đến các tỉnh lân cận…
Năm đầu sau cổ phần hóa, Công ty đã hòa vốn, từ năm thứ hai trở đi bắt đầu có lãi, nhưng nhìn chung, vẫn là một đơn vị nhỏ bé, vẫn tầm hoạt động hạn hẹp trong vận tải đường sông khu vực Nam bộ.
Thứ hai, Pjtaco niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/12/2006 mà thấy mừng thấy lo. Mừng vì Công ty đi đúng hướng, từ nay có thêm một kênh huy động vốn, từ nay có thêm 1 công cụ quản trị minh bạch. Nhưng vẫn lo vì dẫu sao Pjtaco chưa phải là một doanh nghiệp lớn, nếu kinh doanh không thuận lợi, giá cổ phiếu giảm, dễ bị cổ đông bên ngoài thâu tóm, liệu còn giữ được chiến lược kinh doanh đầy khát vọng ban đầu của mình?
Thứ ba, quãng 2011 - 2014 khi ngành vận tải biển gặp khủng hoảng, nhiều công ty vận tải biển phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán vì lỗ 3 năm liên tiếp; nhiều công ty khác phải bán tàu để cứu lỗ và cắt lỗ.
Thấm thoắt 18 năm, từ một đơn vị vận tải đường thủy nội địa, Pjtaco đã vươn lên thành một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy nội địa và quốc tế, vận tải ven biển và cận hải; ngành nghề mở ra kinh doanh xăng dầu, đóng tàu, sửa chữa tàu biển, xử lý chất thải cho ngành hàng hải và ngành xăng dầu.
18 năm vốn điều lệ tăng 13 lần
Đầu thu 2017, sau bao lần “bể show”, tôi cũng thu xếp được 1 chuyến ghé thăm Pjtaco. Khỏi phải nói cảm tưởng bỡ ngỡ của tôi, từ cơ ngơi trụ sở, cơ sở hạ tầng, phong cách quản trị, những đội tàu dọc ngang đất nước, vươn ra quốc tế… tất cả đều bề thế và tự tin. Có rất nhiều số liệu được đưa ra từ tổng tài sản, trọng tải đội tàu, sản lượng vận tải, đến doanh thu vận tải, lợi nhuận, thu nhập bình quân đầu người… đều tăng từ 6-7 lần đến 3-4 chục lần sau 18 năm.
Trong đó, con số đáng chú ý là vốn điều lệ tăng lên khoảng 13 lần so với lúc cổ phần hóa. Tôi nghĩ, 18 năm vốn điều lệ tăng 13 lần là một kỳ tích; nhưng cái lớn hơn chắc hẳn phải là thương hiệu và tập khách hàng. Đến nay, hình ảnh của Công ty đã chuyển đổi từ một Xí nghiệp vận tải đường sông với quy mô nhỏ thành một Công ty vận tải đường biển có quy mô tiềm năng và xây dựng nên một thương hiệu của một doanh nghiệp vận tải có uy tín lớn; đó là thương hiệu Pjtaco, thương hiệu đội tàu LONG PHÚ, thương hiệu đội tàu HÀM LUÔNG. Thương hiệu là niềm tự hào, là tài sản cốt lõi, là thành quả lao động của 18 năm ra đời, đổi mới và phát triển Pjtaco.
Cùng với đó là tập khách hàng, cái này quan trọng lắm. Anh có nguồn lực tốt, anh có công nghệ tiên tiến, anh có lao động chất lượng cao, anh nắm vững phương thức quản trị tiên tiến… mà không có tập khách hàng cũng bằng không. Tập khách hàng đó là khách hàng, bạn hàng trong nước, quốc tế 18 năm qua đã đón nhận dịch vụ và sản phẩm Pjtaco như dịch vụ, sản phẩm của chính mình, trên tinh thần “Cộng đồng trách nhiệm - Chia sẻ lợi nhuận”.
“Khỏe re” nhờ đúng chất
Nhưng điều tôi “hóng” nhất là vì sao Pjtaco vượt qua được giai đoạn bong bóng chứng khoán 2007-2008, cũng như giai đoạn khủng hoảng vận tải biển 2011-2014? Vì Công ty phát triển một cách thận trọng và bền vững, tức là không đầu tư ồ ạt, mà đầu tư chiều sâu và chiều rộng đúng với cái năng lực của mình. Đi tiên phong trong cái ngạch của mình là ngành vận tải thương mại, không phát triển nóng, không đầu tư qua lĩnh vực chứng khoán hay bất động sản.
Ngược dòng thời gian về những năm đầu sau cổ phần hóa, bước chuyển đầu tiên là chuyển về nhận thức. Pjtaco xác định được rằng, phải có những bước tích tụ liên tục để thay đổi về cả lượng và chất trong cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Tích tụ, đổi mới công nghệ bằng cách bán những con tàu cũ đi, mua và đóng nhiều con tàu mới hơn. Lúc đầu là tàu sông, đến những năm 2003-2004 thì mua và bán để làm tàu biển, chuyển hoạt động từ tàu sông sang tàu biển. Cứ nâng cấp đóng những con tàu mới, đóng đến đâu bán đến đấy, đóng tàu mới bán tàu cũ, cứ xoay vòng như thế mà phát triển.
Để có nguồn lực đổi mới, Công ty dựa vào nguồn lực của Petrolimex, bao gồm thương hiệu, thị trường, đầu tư, quản lý. Nguồn lực này là một phần quan trọng giúp Pjtaco có được chỗ đứng, vị thế trong đặt vấn đề liên kết với đối tác, khách hàng. Hơn thế nữa, uy tín thương hiệu Petrolimex đã kích hoạt nguồn lực xã hội chảy về Pjtaco, tạo thuận lợi cho sự thay đổi căn bản về lượng sản xuất, cơ cấu sản xuất mà nếu chỉ với điểm xuất phát ban đầu có vốn điều lệ 13 tỷ đồng như Pjtaco khó có cơ hội đổi thay nhanh chóng được.
Đổi lại, khi bắt đầu thay đổi bước ra thị trường bên ngoài với những đối tác mới mà trước nay Xí nghiệp cũ không làm, thì giờ Công ty mang sản phẩm, dịch vụ đến cho họ, phải cam kết Pjtaco thực hiện đúng tiêu chuẩn của Petrolimex, dịch vụ của Pjtaco là dịch vụ của Petrolimex; nói một cách ngắn gọn là Chất Petrolimex.
18 năm phát triển của Pjtaco là một quá trình tích lũy liên tục về lượng để tạo ra sự thay đổi về chất từ quản trị đến lực lượng sản xuất, và sự thay đổi này bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ hoạt động theo kế hoạch sang hoạt động theo các quy luật giá trị, quy luật cung cầu, chịu trách nhiệm bảo toàn, phát triển đồng vốn nhà nước, đồng vốn của cổ đông đã mang lại sức sống cho Pjtaco “khỏe re” như cách nói dân dã của chị bạn tôi.
Câu chuyện Pjtaco quả là một kỳ tích. Ngẫm ra, cổ phần hóa tạo ra môi trường, còn sự thành bại luôn nằm ở chính doanh nghiệp: ở tầm nhìn, ở khát vọng đi lên và ở tinh thần vượt khó. Tới đây CPTTP sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho doanh nghiệp Việt. Mong rằng đất nước mình ngày càng có nhiều doanh nghiệp lập kỳ tích như Pjtaco trong câu chuyện này.