Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 & triển khai nhiệm vụ năm 2018 Ngành Công Thương
(Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2018) - Hôm nay, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Trước bối cảnh và điều kiện để thực hiện kế hoạch phát triển của ngành Công Thương năm 2017 có cả những yếu tố thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, đánh giá chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2017 của toàn ngành Công Thương cho thấy những nét chủ yếu như sau:
1. Về thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành
Đây là năm ngành Công Thương đạt được những kết quả hết sức tích cực và toàn diện trên các mặt công tác. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt khá ngoạn mục đã đóng góp tích cực vào kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của cả nước năm 2017.
- Về sản xuất công nghiệp: Năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao (tăng 14,5%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 11,2%, năm 2015 tăng 10,5%), là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.
- Về xuất nhập khẩu và phát triển thị trường ngoài nước: Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đã kiểm soát tốt khâu nhập khẩu, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỷ USD. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần bảo đảm cho các cân đối vĩ mô khác của nên kinh tế.
Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Công tác theo dõi, phản ứng chính sách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn; năng lực tham gia xử lý các vấn đề về tranh chấp thương mại của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn...; qua đó, công tác xử lý các vấn đề phát sinh từ hội nhập cũng được chúng ta xử lý một cách bài bản và có hiệu quả hơn.
- Về tổ chức, phát triển thị trường trong nước: Năm 2017 thương mại nội địa tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số (cả năm đạt 10,9%), qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước được bảo đảm ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, kể cả trong các dịp lễ, tết hoặc ở các địa bàn và ở những thời điểm xảy ra mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ và linh hoạt trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý và triển khai công tác bình ổn thị trường đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước năm 2017 ở mức dưới 4%.
Công tác quản lý thị trường được tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả hơn. Nhiều lĩnh vực nóng trước đây đã được giải quyết đạt kết quả rõ nét, nhiều vụ việc lớn nhanh chóng được chỉ đạo vào cuộc và xử lý đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được thực hiện ngày càng hiệu quả.
- Công tác hội nhập quốc tế: Công tác hội nhập được triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, góp phần vào thành công nổi bật của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện APEC với tư cách là chủ nhà. Bộ Công Thương đã tham gia chủ trì nhiều sự kiện quan trọng, dẫn dắt các chủ đề thảo luận lớn của năm APEC; xử lý vấn đề về Hiệp định CPTPP được các nước đánh giá cao.
2. Về tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính
Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện: Từ cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ; thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính của Bộ (trong đó cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC); triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương; cùng với đó là thực hiện áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương.
Năm 2017, ngoài 2 dự án Luật được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng (gồm Luật Quản lý ngoại thương và Luật Cạnh tranh sửa đổi) được chuẩn bị và trình Quốc hội, trong đó Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2017), dự án Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo đúng thời hạn đề ra, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ 14 Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó đã có 02 Nghị định đã chính thức được ban hành). Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017, 34 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký chính thức ban hành (hoàn thành 100% kế hoạch đề ra).
3. Về công tác thoái vốn, thực hiện cổ phần hóa, xắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất
Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được Bộ Công Thương tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ thể. Điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng công ty Sabeco và đang tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, PV Power.
4. Về xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương
Bộ Công Thương đã khẩn trương hoàn thiện Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, các dự án đều đã có lộ trình xử lý cụ thể
5. Về các mặt công tác khác như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... trong ngành Công Thương
Năm 2017 đã tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Qua đó các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể để thống nhất chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của Ngành, đồng thời phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đã đạt được trong những năm vừa qua để tạo bước phát triển mới. Trong đó, Bộ Công Thương xác định năm 2018 sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.
2.Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương. Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.
3.Rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung để tính toán, cân đối lại bài toán năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và trong bối cảnh, điều kiện mới. Đặc biệt là vấn đề về cơ cấu năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo trong phát triển điện năng; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, than đá...
4.Tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.
5.Tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là thay đổi một cách mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
6.Thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn. Tập trung khai thác tốt các FTAs đã hoàn thành đàm phán, ký kết và có liệu lực thực thi. Tính toán lại chiến lược đàm phán các FTAs tiếp theo để bảo đảm lợi ích cao hơn cho đất nước trong bối cảnh mới - Đi vào các FTA song phương với các thị trường ngách mà ta có nhiều lợi thế. Đặc biệt là trong công tác thực thi các cam kết hội nhập, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hội nhập, Bộ Công Thương xác định sẽ hướng trọng tâm vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá, tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập để có thể nâng cao hiệu quả thực thi cam kết hội nhập nói riêng và bảo đảm cho quá trình hội nhập thành công, bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
7.Nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Coi đây là biện pháp để tạo bước chuyển quan trọng trong công tác đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Qua đó, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
8.Tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.
9.Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.