Tiện ích trạm xăng tự phục vụ chưa thể phát triển vì sao?
Một trạm xăng tự bơm và cửa hàng tiện ích tại Sydney, Australia. Ảnh: The Morning Herald
Mặc dù phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng nhưng sau 3 năm triển khai thí điểm, dịch vụ trạm xăng tự phục vụ đến nay vẫn chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ lẻ tại Việt Nam.
Nhiều tiện ích gia tăng cho khách hàng
Lợi ích rõ nhất mà khách hàng tự bơm xăng được hưởng chính là giá xăng rẻ hơn so với các trạm xăng truyền thống có các nhân viên bán hàng. Tại bang California (Mỹ), khách hàng thường tiết kiệm được 5% chi phí cho mỗi gallon xăng khi chọn hình thức trạm xăng tự phục vụ.
Tại Australia, mô hình trạm xăng tự phục vụ luôn gắn với cửa hàng tiện ích và đã được triển khai ở hầu khắp các bang. Theo chị Nguyễn Khánh Linh, phóng viên thường trú TTXVN tại Australia, mỗi trạm xăng dù lớn hay nhỏ cũng chỉ có 1 nhân viên làm việc bên trong cửa hàng tiện ích vừa thu tiền của khách mua xăng, đồng thời bán hàng luôn. Một số trạm xăng có thể dùng thẻ tín dụng thanh toán tự động luôn khi bơm xăng.
"Việc tự bơm xăng cho ô tô rất đơn giản", hầu như các khách hàng không cần sự hướng dẫn vì hệ thống sẽ tự ngắt khi bình xăng đầy. Nếu khách hàng đến bơm lần đầu có thể đọc hướng dẫn in ngay trên cột xăng. Chị Linh cho biết.
Cũng theo chị Linh, giá nhân công ở Australia rất đắt nên nếu có thêm nhân viên bán hàng đứng đổ xăng cho khách thì chắc chắn giá mỗi lít xăng sẽ đội lên cao do phải cõng thêm chi phí.
Khách hàng nữ đang tự bơm xăng tại trạm xăng tự động ở Sydney, Australia. Ảnh: Khánh Linh/TTXVN
Bên cạnh đó, hầu hết các trạm xăng tự động tại các nước mở cửa 24 giờ trong cả 7 ngày nên khách hàng có thể tiếp nhiên liệu bất cứ lúc nào cần. Đặc biệt, với thiết kế mỗi trạm xăng tự phục vụ thường có từ 12-18 họng bơm xăng nên khách hàng có thể tiết kiệm thời gian đi đổ xăng vì cùng một thời điểm có thể giải quyết nhu cầu bơm xăng cho rất nhiều người.
Ngoài ra, một số trạm xăng tự phục vụ tại Mỹ, New Zealand không giảm giá bán xăng nhưng lại cung cấp các dịch vụ miễn phí như bơm lốp xe, kiểm tra áp suất lốp, kiểm tra dung dịch làm mát động cơ, nhà vệ sinh hay rửa xe nhanh miễn phí.
Không dễ triển khai đồng loạt tại Việt Nam
Theo Chủ tịch Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo, hiện tất cả 2.400 cây xăng của Petrolimex đều có khả năng thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ trả trước nên đều có thể chuyển sang hình thức bán xăng tự bơm.
Nếu triển khai được hình thức này, Petrolimex sẽ có thể giảm bớt lao động tại mỗi cửa hàng cũng như không cần nhân viên bán hàng buổi tối như hiện nay.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thí điểm thì Petrolimex vẫn chỉ triển khai dịch vụ này ở quy mô nhỏ. Tại Hà Nội, Petrolimex có 7 trạm xăng được thiết kế cột xăng tự bơm cho khách hàng những vẫn phải xen lẫn với cột xăng có nhân viên phục vụ để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại đối tượng.
Lý giải về vấn đề này, ông Bảo cho biết, đặc thù phương tiện giao thông chủ yếu tại Việt Nam vẫn là xe máy, không phải là ô tô như nhiều nước trên thế giới.
Việc bơm xăng cho xe máy lại không tự động ngắt khi đầy bình như bơm xăng cho ô tô, nên rất dễ tràn ra bên ngoài gây mất an toàn.
Trong khi đó, ý thức tuân thủ an toàn cháy nổ của nhiều khách hàng vẫn chưa tốt, khi vào trạm xăng vẫn gọi điện thoại di động, vẫn hút thuốc cho dù có biển cảnh báo cấm.
Tuy nhiên, lý do cơ bản khiến trạm xăng tự phục vụ chưa thể triển khai rộng rãi là bởi giá xăng dầu; trong đó có chi phí lưu thông quản lý xăng dầu do Nhà nước quản lý.
Chi phí này được tính 5% trong giá bán xăng (tương đương với 1.050 đồng/lít), bao gồm tất cả các chi phí từ nhập khẩu nước ngoài về Việt Nam, tồn chứa, chi phí đưa xăng ra các cửa hàng, hao hụt; trong đó chi phí cho người lao động chiếm khoảng 30%.
Vì vậy, với mức phí thanh toán bằng thẻ mà ngân hàng thu như hiện nay (thẻ nội địa là 0,5-1%, thẻ quốc tế là 2,5%), nếu mỗi lần đổ xăng cho xe máy với đơn vị thanh toán thấp thì doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí rất cao trong khi chi phí này chưa được tính vào chi phí lưu thông.
Đây chính là "rào cản" lớn nhất đối với việc thanh toán bằng thẻ để phát triển loại hình trạm xăng tự phục vụ.
Ông Bảo cho biết, hiện Petrolimex đang đề xuất với Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu từ mức 5% hiện nay lên mức 10% phổ biến ở các nước tiên tiến để có thể thúc đẩy thanh toán thẻ và triển khai dịch vụ bơm xăng tự động.
Giá bán xăng tại cây xăng tự bơm của Petrolimex rẻ hơn 100 đồng/lít. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Thực tế cho thấy, giá bán xăng ở cây tự bơm của Petrolimex hiện chỉ rẻ hơn 100 đồng/lít so với cây có người phục vụ.
Thế nên "chả tội gì mà xuống xe cầm cái bơm xăng khá nặng và ngửi mùi xăng" chỉ để tiết kiệm 4 nghìn đồng cho mỗi lần đổ xăng ô tô cho dù tự bơm xăng rất dễ dàng, chị Linh chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho biết, mức giảm 100 đồng/lít để khuyến khích khách hàng này là do doanh nghiệp tự chiết khấu, hoàn toàn không nằm trong cơ cấu giá xăng.
Mục tiêu của Petrolimex khi áp dụng công nghệ và tự động hóa vào bán xăng là nhằm cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
"Rẻ là sự tiện lợi, là tiết kiệm thời gian, là có thể mua xăng bất cứ lúc nào. Giảm giá mà chất lượng không gia tăng thì Petrolimex không chọn", ông Bảo nhấn mạnh.
Vì vậy, nếu chi phí thanh toán qua thẻ được đưa vào kết cấu của giá xăng thì trong vòng 3 năm tới, Petrolimex có thể chuyển 70% trạm xăng sang tự động, chỉ giữ lại 30% trạm có nhân viên phục vụ để bán cho xe máy, ông Bảo cho biết.