Giá xăng dầu trong nước cùng nhịp với thế giới

06:15 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Mười Hai, 2009

15/12/2009 | 08:56:00

Nghị định 84 cũng "đề phòng" trường hợp giá xăng dầu biến động mạnh tác động tới đời sống kinh tế xã hội. (Ảnh: Minh Đông/TTXVN)

Bắt đầu từ ngày hôm nay (15/12), Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 84) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu sẽ chính thức được áp dụng thay cho Nghị định 55/2007/NĐ-CP ban hành ngày 6/4/2007.

Nghị định này có những quy định mới về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân phối xăng dầu và đặc biệt là quy định về giá bán lẻ xăng dầu sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Giá xăng dầu biến động linh hoạt hơn

Một nét chính của Nghị định 84 là việc giao quyền định giá bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới biến động làm cho giá vốn (giá bình quân trong thời gian lưu thông) tăng 7% so với hiện hành. Ngược lại, nếu giá vốn giảm trong phạm vi đến 12%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Trước đây, do các biện pháp can thiệp của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước nhiều khi đã không biến động cùng nhịp với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, với những quy định trong Nghị định 84, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ biến động phù hợp với giá thế giới.

Tuy nhiên, Nghị định 84 cũng "đề phòng" trường hợp giá xăng dầu biến động mạnh tác động tới đời sống kinh tế xã hội. Theo đó, mặc dù cho phép doanh nghiệp được tăng giá bán lẻ tương ứng với mức tăng giá của xăng dầu thế giới, song nhà nước vẫn khống chế thời gian giữa 2 lần tăng giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày.

Trong trường hợp giá vốn tăng ở mức cao, vượt 7-12%, doanh nghiệp được quyền tăng giá nhưng chỉ tăng 7%, phần còn lại doanh nghiệp được tăng thêm 60% của mức tăng giá cơ sở trên 7-12%, 40% còn lại sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp.

Khi giá vốn tăng ở mức đột biến trên 12% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, Nhà nước sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua thuế, quỹ bình ổn giá...

Thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định kinh doanh xăng dầu mới là việc Nhà nước mở rộng đối tượng được quyền tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo đó, thay vì chỉ có 11 đầu mối kinh doanh xăng dầu trước đây và đều là các doanh nghiệp nhà nước, quy chế mới cho phép thương nhân chỉ cần là doanh nghiệp (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước) đều được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, với mong muốn mở ra thị trường cạnh tranh, quy định này mở đầu cho việc các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường xăng dầu, từ đó tích tụ để tạo ra nhân tố mới, tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh như có cơ sở vật chất kinh doanh xăng dầu (cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn).

Đối với các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Nghị định mới quy định: "Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối; đại lý chỉ được ký hợp đồng là đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối; cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối nào phải chịu sự kiểm soát của thương nhân đó".

Quy định như vậy là để chọn được thương nhân có năng lực tham gia thị trường, ràng buộc chặt hơn quyền và nghĩa vụ của thương nhân trong quá trình kinh doanh, khắc phục được tình trạng thương nhân cho thuê, mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, đã từng gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm trước đây.

Người dân có thể giám sát doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại doanh nghiệp sẽ "lợi dụng" Nghị định 84 để tăng giảm giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về vấn đề này, đại diện các cơ quan quản lý đều khẳng định, Nhà nước vẫn giám sát chặt chẽ đối với mặt hàng xăng dầu và người dân cũng có thể giám sát giá xăng dầu.

Ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cho quyền là để doanh nghiệp có điều kiện chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước.

Nhiều người cho rằng, chỉ có cơ quan quản lý giá mới giám sát được giá xăng dầu, nhưng nay khi giá trong nước tiến cùng nhịp với giá thế giới thì cả xã hội và cơ quan quản lý đều có thể giám sát được.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khi doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá và gửi quyết định điều chỉnh giá về, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện công tác hậu kiểm để xem việc tăng, giảm giá xăng dầu có hợp lý hay không.

Các văn bản sẽ có chế tài rõ ràng khi giá thế giới giảm mạnh mà trong nước không giảm hay chậm niêm yết giá, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra và sẽ có văn bản nhắc nhở, thậm chí là xử phạt.

Do nghị định đã công khai cơ sở tính toán giá thành của doanh nghiệp, các điều kiện tăng, giảm giá nên căn cứ vào đó, cả cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng có thể giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội