Cửa hàng xăng dầu không an toàn có thể gây thảm họa
Vụ hỏa hoạn tại cửa hàng xăng dầu trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội xảy ra do bất cẩn trong quá trình nhập xăng dầu từ xe xitec. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- về việc đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đều đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ.
CôngThương-* Thưa ông, sau sự cố đáng tiếc vừa qua tại cửa hàng xăng dầu 2B Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Petrolimex rút ra bài học gì trong công tác phòng chống cháy nổ tại các cây xăng?
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Ý thức rõ nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ và rủi ro cao của hoạt động kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Petrolimex và các đơn vị thành viên luôn coi công tác đảm bảo an toàn PCCC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt có những lúc và có những thời điểm, công tác PCCC được đặt ở vị trí cao hơn công tác sản xuất kinh doanh trong toàn hệ thống. Công tác này được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc ở tất cả các đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu; chúng tôi tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, bởi vì xảy ra sự cố cháy, nổ xăng dầu hay tràn dầu thì sẽ là thảm hoạ.
Sự cố cháy tại của hàng xăng dầu số 2B Trần Hưng Đạo là bài học kinh nghiệm không chỉ riêng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan quản lý và người dân. Sau khi xảy ra vụ cháy này, Petrolimex ngay lập tức chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên, trưởng nhóm đại diện phần góp vốn của tập đoàn tại các công ty công ty cổ phần tổ chức kiểm tra toàn diện tình trạng kỹ thuật của thiết bị công nghệ nhập hàng, bán hàng, hệ thống điện, hệ thống chống sét, chống tĩnh điện, các trang thiết bị phương tiện chữa cháy tại chỗ… kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn gây ra các sự cố kỹ thuật, cháy nổ, tràn dầu. Rà soát, hoàn thiện các phương án chữa cháy ở từng cửa hàng xăng dầu, tổ chức thực tập bổ sung các tình huống chữa cháy tại chỗ cho tất cả các CBCNV của các cửa hàng. Nghiêm cấm việc thắp hương, thắp nến, sử dụng lửa trần để đun nấu trong khu vực cửa hàng xăng dầu.Ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Petrolimex
Petrolimex cũng yêu cầu các cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các bước của quy trình nhập hàng từ xe xitéc; kiểm tra, hướng dẫn xe xitec vào vị trí nhập hàng bảo đảm khả năng thoát nạn khi xảy ra sự cố. Bố trí đủ phương tiện chữa cháy ban đầu tại khu vực nhập hàng để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố; yêu cầu các lái xe xi téc tuyệt đối không được mở nắp xitec khi đang nhập hàng. Tùy theo mặt bằng thực tế của từng cửa hàng, các đơn vị phải tổ chức hướng dẫn phân luồng, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn hướng vào/ra, biển phân luồng cho đối tượng khách hàng khác nhau, vạch sơn đường trên nền bãi của hàng, hàng rào phân cách mềm… một cách khoa học, hợp lý tạo điều kiện thuận lợi và dễ nhận biết cho khách vào mua hàng.
* Theo điều tra, nguyên nhân của vụ cháy trên là do mất an toàn trong công tác xuất nhập xăng dầu? Xin ông cho biết, công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong khâu xuất nhập xăng dầu tại kho, cửa hàng được Petrolimex thực hiện như thế nào?
Phần lớn các sự cố cháy nổ xăng dầu có nguyên nhân thiếu sót, bất cẩn trong quá trình tác nghiệp, thừa hành nhiệm vụ của công nhân vận hành tại các công trình xăng dầu đặc biệt là trong các công đoạn xuất, nhập xăng dầu tại các kho, cảng và hệ thống của hàng xăng dầu. Để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do cháy nổ gây ra, Petrolimex tập trung chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền ý thức về PCCC cho người lao động, tổ chức đào tạo, huấn luyện và xây dựng lực lượng PCCC trách nhiệm, dạn lửa và thuần thục kỹ năng trong tác chiến chữa cháy; phối hợp với các cơ quan CS PCCC xây dựng và thực tập các phương án PCCC một cách đồng bộ, thống nhất và khoa học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị phương tiện PCCC, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào công tác PCCC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hàng các quy định của pháp luật trong công tác PCCC tại các công trình xăng dầu; xử lý nghiêm các vi phạm an toàn về PCCC.
Trước nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường do hơi xăng dầu khếch tán trong quá trình nhập xăng dầu từ xe xi téc tại các của hàng xăng dầu, Petrolimex đã chủ động nghiên cứu thành công và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống thu hồi hơi tại các cửa hàng xăng dầu, thu hồi trên 90% lượng hơi xăng dầu tản ra môi trường. Hệ thống thu hồi hơi của Petrolimex đưa vào sử dụng đã nhận được sự đánh giá cao của Bộ Công An, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân địa phương sở tại. Petrolimex thực hiện giải pháp này là hướng tới bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải do quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện như vậy.
Petrolimex với mạng lưới trên 2100 cửa hàng xăng dầu phân bổ trên toàn quốc, chúng tôi quán triệt và thực hiện nghiêm túc các phương châm “phòng ngừa là chính”, “phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi”, “phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, “chủ động trong tác chiến”. Trong thực tế, nhiều cửa hàng xăng dầu của Petrolimex ở xa trung tâm thành phố, thị xã, nếu có sự cố xảy ra thì việc chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu là rất khó khăn.
* Thưa ông, hiện nay Petrolimex có bao nhiêu cửa hàng, kho xăng dầu đã không còn phù hợp với quy hoạch hoặc chưa bảo đảm quy định đối với an toàn phòng chống cháy nổ? Đối với những cửa hàng, kho xăng dầu đó, Petrolimex có biện pháp nào để đảm bảo an toàn?
Theo tôi, hệ thống cửa hàng xăng dầu là một cơ sở hạ tầng quan trọng, có vị trí quan trọng trong đời sống, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và tiện lợi cho người tiêu dùng, kể cả trong những khu nội đô đông dân cư. Nếu vì lo ngại cho sự an toàn mà buộc các cửa hàng xăng dầu di rời ra khỏi nội đô sẽ là trở ngại rất lớn cho người tiêu dùng. Do đó vấn đề đặt ra là bên cạnh việc thuận lợi cho người tiêu dùng thì phải đảm bảo các tiêu chí an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Vì thế không thể nhìn nhận, đánh giá theo một chiều…
Thực tế, nhiều cửa hàng xăng dầu trong nội đô trước đây được quy hoạch hợp lý, đảm bảo các quy định về PCCC, nhưng do sự phát triển quá nhanh của nhiều khu vực dân cư xung quanh cửa hàng thì khi đó lại xuất hiện các nguy cơ mất an toàn mới. Vì thế, việc mất an toàn này có cả nguyên nhân từ các cơ quan quản lý chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cơ quan chức năng cần chỉ ra cụ thể cửa hàng nào không đảm bảo các điều kiện an toàn kinh doanh để chấn chỉnh đồng thời cần xem xét cả yếu tố lịch sử hình thành cửa hàng để có biện pháp giải quyết, xử lý cho phù hợp, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Hệ thống cửa hàng của Petrolimex trên toàn quốc là một mạng lưới đồng bộ, được nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh; đồng bộ từ khâu thiết kế, thẩm duyệt, xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng, tất cả các công đoạn này đều được kiểm tra, phê duyệt và cấp phép của các cơ quan chức năng trước khi đưa vào hoạt động. Công tác kiểm tra đảm bảo các điều kiên an toàn của các của hàng xăng dầu được Petrolimex kết hợp với lực lượng CS PCCC trên toàn quốc tiến hành định kỳ, thường xuyên. Sau kiểm tra đều có biên bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh khắc phục. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến uy tín, thương hiệu của Petrolimex, xâm phạm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
* Xin cảm ơn ông!