Quy mô - tầm vóc - hiện đại
Ngày 1/7/2018, Công ty Xăng dầu B12 (B12) tròn 45 năm hình thành và phát triển. Với hệ thống cầu cảng, kho bể, tuyến ống, hệ thống phụ trợ hiện đại, mạng lưới phân phối mở rộng… công ty ngày càng khẳng định vị thế "huyết mạch" xăng dầu khu vực phía Bắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Kho bể tồn chứa xăng dầu K130 hiện đại, xanh - sạch - đẹp
Năng lực tiếp nhận vận chuyển tăng gấp 3 lần
B12 là đơn vị thực hiện loại hình vận tải xăng dầu bằng đường ống duy nhất tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị hiện xây dựng được cảng chuyên doanh xăng dầu lớn nhất và hệ thống kho bể tồn chứa xăng dầu lớn nhất của Petrolimex ở miền Bắc.
B12 được "gánh" trọng trách - vai trò đầu mối của Petrolimex, thực hiện chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, tồn chứa, bơm xuất, vận tải và kinh doanh cung cấp xăng dầu đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc và dự trữ xăng dầu quốc gia.
Với vai trò đầu mối, B12 được Petrolimex quan tâm đầu tư hiện đại hóa đồng bộ cơ sở vật chất. Đến nay, B12 đã có 3 hệ thống: Cảng dầu - tuyến ống - kho bể gắn kết chặt chẽ thành một tổng thể liên hoàn, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng bền vững cho cả khu vực phía Bắc rộng lớn, bao gồm vùng duyên hải và vùng đồng bằng, trung du và miền núi Bắc bộ.
Sau nhiều giai đoạn liên tục đầu tư nâng cấp, hiện tại, năng lực tiếp nhận vận chuyển xăng dầu của B12 đã tăng gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu. Hệ thống cơ sở vật chất của B12 được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bao gồm: Cảng dầu tiếp nhận được tàu đến 40.000 DWT, mỗi năm có khả năng tiếp nhận hơn 6 triệu m3 xăng dầu các loại. 5 kho xăng dầu với sức tồn chứa gần 400 nghìn m3 nối liền với gần 600 km đường ống xăng dầu được nâng cấp từ đường kính 159 mm, tăng lên 219 mm, 323 mm, 406 mm đi qua 6 tỉnh, thành phố (từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội).
Tiên phong trong quản lý điều hành
Theo ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Petrolimex, B12 là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương của tập đoàn về áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng và điều hành. B12 cũng là đơn vị tích cực triển khai hiệu quả phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và quản lý mạng lưới cửa hàng bán lẻ (chương trình EGAS). Đây là 2 công cụ quản trị sử dụng các thiết bị, phần mềm, máy tính và mạng để kết nối các máy bơm, kho bể, cửa hàng, máy tính… từ đó hình thành số liệu phục vụ công tác quản trị điều hành, đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả tối ưu trong sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, B12 đã hoàn thiện xây dựng bộ hệ thống tự động, bao gồm: Hệ thống tự động hóa xuất hàng đường thủy và xuất hàng đường bộ; hệ thống đo mức tự động; hệ thống báo lẫn tự động; hệ thống tự động hóa trạm bơm chính; hệ thống tự động kiểm soát bơm tuyến (lưu lượng kế tuyến); hệ thống cảnh báo tràn bể; hệ thống camera quan sát, bảo vệ từ cảng dầu, kho bể, đến các cửa hàng kinh doanh bán lẻ.
Cửa hàng kinh doanh xăng dầu B12 đạt chuẩn nhận diện thương hiệu Petrolimex
Đặc biệt, công ty đã tổng hòa các hệ thống tự động hóa đó thành hệ thống điều độ hàng hóa trung tâm và đây được ví như "bộ não" của hệ thống tuyến ống xăng dầu B12.
"Nhờ đó, B12 đã vận hành hệ thống sản xuất, kinh doanh trên toàn tuyến từ Quảng Ninh đến Hưng Yên bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ, an toàn môi trường nước thải, cũng như chất thải và hiệu quả kinh tế cao, chống thất thoát hàng hóa, kiểm soát được từng lít xăng dầu từ lúc nhập vào, đến khâu xuất ra"- ông Nguyễn Đồng - Giám đốc B12 - khẳng định.
Dẫn dắt thị trường
Cùng với chức năng tiếp nhận, tồn chứa, bơm chuyển, B12 còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp kinh doanh, xuất bán xăng dầu trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên thông qua hệ thống 125 cửa hàng bán lẻ và hơn 150 đại lý, tổng đại lý xăng dầu.
Đến bất kỳ cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào của B12 tại các tỉnh, thành phố cũng thấy quy mô, khang trang, sạch sẽ. 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều được chuẩn hóa về nhận diện của Petrolimex, với trang bị cơ sở công nghệ hiện đại, đồng bộ. Trong đó, điểm nổi trội đặc trưng nhất đối với hệ thống bán lẻ của Petrolimex nói chung, cũng như B12 nói riêng là tất cả đều được quản lý theo chương trình EGAS, đồng loạt thực hiện mô hình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và quy trình 5 bước của Petrolimex.
Việc áp dụng các chương trình này đem đến hiệu quả cao, vừa thể hiện văn minh thương mại, vừa phản ánh tính minh bạch trong quan hệ giao dịch giữa nhân viên bán hàng với người mua, đồng thời cũng thể hiện tính chuyên nghiệp của hệ thống cửa hàng bán lẻ thương hiệu Petrolimex.
Điều hành bơm chuyển xăng dầu tại Trung tâm điều khiển tự động - Xí nghiệp kho vận K130
"Có thể nói sau khi thực hiện mô hình quản lý theo chương trình EGAS, cũng như mô hình 5S và quy trình 5 bước đã tạo sự biến đổi về chất trong việc quản trị tại các cửa hàng xăng dầu thương hiệu Petrolimex và đặc biệt, đã thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, tạo niềm tin thu hút khách hàng đến với các cửa hàng xăng dầu của B12 ngày càng nhiều hơn" - ông Vũ Văn Cần - Giám đốc Xí nghiệp xăng dầu Quảng Ninh - nhấn mạnh.
Vì thế, việc cung ứng xăng dầu của B12 ra thị trường tăng trưởng ở mức khá cao, bình quân gần 10%/năm và sản lượng xăng dầu xuất bán trực tiếp của B12 năm 2017 tiến sát đến mức 1 triệu m3/tấn.
Vai trò dẫn dắt thị trường không chỉ thể hiện ở tăng trưởng về sản lượng xăng dầu trực tiếp xuất bán, mà B12 với vị trí đơn vị đầu mối của Petrolimex còn đi đầu kinh doanh xăng E5 Ron 92 trước 1 tháng so với thời gian quy định của Chính phủ. Đồng thời, B12 cũng tiên phong thực hiện kinh doanh diesel mức 5 (DO 0, 001 S-V (nhiên liệu "sạch buồng đốt, tốt môi trường").
45 năm xây dựng và phát triển, với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại đồng bộ: Cảng - kho bể tồn chứa - đường ống, đã giúp B12 hoàn thành 3 sứ mệnh: Bảo đảm nguồn xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phụ trách; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho hầu hết các tỉnh, thành phố vùng duyên hải, đồng bằng trung du và miền núi phía Bắc; dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo không để thị trường "nóng, lạnh" bất thường. |