Có một mùa hè ‘đỏ lửa’

Có một mùa hè ‘đỏ lửa’

Diệu Anh

07:01 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Bảy, 2018

(Chinhphu.vn) - Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9… từ lâu đã trở thành những địa danh huyền thoại. Mỗi địa danh lịch sử nơi đây đều gợi nhớ đến những câu chuyện anh hùng của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam.

Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Diệu Anh

Với lòng kính trọng và biết ơn các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, tháng 7 hằng năm, nơi đây đã đón rất nhiều đoàn về viếng thăm. Hòa trong dòng người ấy có những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cổng TTĐT Chính phủ.

Rời Thủ đô Hà Nội trong đêm ngày 27/7, vượt qua hơn 600 cây số, sáng hôm sau, Đoàn công tác đã tới được miền đất thiêng liêng Quảng Trị. Điểm đầu tiên, Đoàn đến thăm là Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Nghĩa trang Đường 9 nằm bên cạnh quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, thị xã Ðông Hà, cách trung tâm thị xã gần 6 km về phía Tây. Nghĩa trang được nâng cấp, xây dựng từ Nghĩa trang Liệt sỹ thị xã Ðông Hà.

Về đến Nghĩa trang Đường 9, chợt nhớ tới một câu hát của nhạc sĩ Doãn Nho: “Tôi về đây với Đường 9-Khe Sanh/Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Hoa Lau trắng đến chân trời trắng thế/Trắng mây bay và lau trắng quanh tôi,…”. Những câu hát đó đã chạm vào tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm của mỗi người khi đến nới đây.

Các thành viên trong đoàn thắp hương tại các mộ liệt sĩ. Ảnh: Diệu Anh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 9 là con đường chiến lược của Mỹ-Ngụy, nối liền từ biên giới Việt-Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ-Ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, liệt sỹ gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đoàn công tác chụp ảnh tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Diệu Anh

Có lẽ đối với những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ không khỏi lặng người xúc động và bồi hồi khi nhìn thấy hàng chục nghìn ngôi mộ nằm ngay ngắn, thẳng hàng trong cả một vùng đất rộng lớn. Nhưng cũng không khỏi xót xa trước những ngôi mộ chỉ với vỏn vẹn dòng chữ “Liệt sỹ chưa biết tên”.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo thắp hương tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Diệu Anh

Sau khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ, Đoàn chia tay Nghĩa trang Đường 9, tiếp tục lên đường đến với địa danh “Thành cổ Quảng Trị”. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm của các lực lượng giữ Thành Cổ.

“Cho tôi hôm nay vào Thành cổ

Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ...! Xin chớ vô tình...

Với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình”.

Những câu hát của Nhạc sĩ Tân Huyền ngân lên lắng đọng một vùng đất Thành cổ. Chỉ mấy câu thôi nhưng khiến cho những ai đã một lần đến nơi đây thêm hiểu và cảm nhận được sự hùng tráng, anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Mùa hè đỏ lửa 1972 của quân và dân ta góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn công tác chăm chú lắng nghe câu chuyện xúc động về các chiến sĩ trẻ giữ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Diệu Anh

Để giữ vững Thành cổ và thị xã Quảng Trị, hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp mọi miền Tổ quốc và đồng bào Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn hy sinh trên mảnh đất này. Các anh hy sinh, hài cốt các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương của các anh đã hòa vào lòng đất cho non sông, đất nước có ngày độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Với những chiến công khốc liệt bằng xương máu của hàng nghìn chiến sĩ, di tích Thành cổ Quảng trị hôm nay trở thành một Đài tưởng niệm để tri ân cho các chiến sĩ. Mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi bước chân chúng ta vào Thành cổ hôm nay đều thấm đẫm máu của các chiến sỹ ở đây và đồng bào Quảng Trị anh hùng.

Có người Chiến binh Phạm Đình Lâm từ Hà Nội vào lên đài tưởng niệm thắp cho đồng đội nén nhang mà xót xa nhắn nhủ rằng:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
*
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào,…

Nếu chúng ta đã từng đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hay Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9… thì các liệt sỹ đều có một nấm mộ cho dù là có tên hay chưa biết tên, riêng Thành cổ Quảng Trị được ví như một nghĩa trang nhưng không có một nấm mồ nào cho riêng ai, mà chỉ có một nấm mồ chung.

Người hướng dẫn viên tại Thành cổ Quảng Trị nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe, trong cuộc chiến này, địch đã ném xuống Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn bom phá hủy hoàn toàn một vạn ngôi nhà và tòa Thành cổ… Không ai có thể tưởng tượng rằng, bình quân với 1 người chiến sỹ (nhiều người mới tuổi đôi mươi) phải hứng chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo…Nghe đến đây, những giọt nước mắt cùng hòa với sự khâm phục đã lan toả vào sâu đáy lòng của mối thành viên trong Đoàn.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Diệu Anh

Tuy chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nỗi đau về thời chiến vẫn luôn in đậm trong mỗi người dân chúng ta, biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha, cho đến hôm nay chưa có con số nào chính thức được công bố có bao nhiêu liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Nhưng ai cũng biết chắc rằng các anh nằm lại nơi đây khi đang mang trong mình một khát vọng sống có nhiều ước mơ và hoài bão, một thế hệ thanh niên đã cống hiến hết tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời mình theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu diễn ra trong Thành cổ Quảng Trị như một huyền thoại. Khu Di tích Thành cổ bây giờ đã trở thành một địa chỉ tâm linh và nguồn cội cho du khách xa gần. Không ngày nào không có những cựu chiến binh quay về thăm đồng đội.

Thỉnh chuông vào viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Diệu Anh

Rời Thành cổ Quảng Trị, sáng hôm sau, Đoàn tiếp tục hành trình về với “địa chỉ đỏ” - Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Là một công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất cả nước. Các khối tượng đài, phù điêu tại nghĩa trang thể hiện sự tôn vinh, niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Đoàn công tác làm lễ dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Diệu Anh

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ hơn 10.300 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000 m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000 m2, khu tượng đài 7.000 m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.

Sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm, chúng tôi chia nhau đi dọc những dãy mộ để thắp hương. Bên này là khu mộ liệt sĩ Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, bên kia là khu mộ liệt sĩ Quảng Ninh, Tuyên Quang, kế đó là khu mộ liêt sĩ Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái,... Mỗi khu mộ của các tỉnh, thành… đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc mang hình ảnh các vùng quê.

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn những ngày tháng 7, chúng tôi như được hòa mình trong truyền thống anh hùng, hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để chúng ta vững vàng trên hành trình đến với ngày mai.

Chuyến hành trình về “miền đất lửa” thiêng liêng và hào hùng - Quảng Trị tuy ngắn, nhưng đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong Đoàn một cảm xúc khó có thể quên. Hành trình là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Để rồi mỗi thành viên tự nhủ phải phấn đấu học tập, nghiên cứu, góp phần cống hiến cho đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017),Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Đoàn công tác “Về nguồn”, từ ngày 28-30/7. Đoàn đã đi thăm, tặng quà 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng quà 10 gia đình con em thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị.

Đoàn công tác chân thành cảm ơn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đồng hành cùng Cổng TTĐT Chính phủ trong chuyến đi lần này.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội