Chuyện của nàng Xăng
Trị số RON càng cao thì chất lượng xăng càng cao, giá thành càng đắt. Lựa chọn RON nào tại mỗi nước là căn cứ yêu cầu kỹ thuật của phương tiện và sức chịu đựng của nền kinh tế.
1.
Gia đình nhà Xăng dầu có nhiều anh chị em. Chị em gái đều có tên là Xăng. Xăng có nhiều loại, lấy hệ số chống kích nổ để mà phân loại. Hệ số kích nổ mỗi nơi cũng một kiểu. Hệ của Nga gọi là MON, hệ của các nước khác gọi là RON. MON & RON là khác nhau về phương pháp phân tích. Ví như xăng MON 83 của Nga thì hệ số chống kích nổ tương đương RON 90 của ta.
Theo như RON mà nói thì có các trị số 90, 91, 92, 95, 97, 98 và hình như 100 cũng có gọi là Super Gasoline.
Trị số RON càng cao thì chất lượng xăng càng cao, giá thành càng đắt. Vì vậy, lựa chọn RON cụ thể tại mỗi nước là căn cứ yêu cầu kỹ thuật của phương tiện và sức chịu đựng của nền kinh tế.
Gần đây xuất hiện khái niệm xăng E là do pha thêm Ethanol để nhằm 3 mục tiêu: nông nghiệp, môi trường và an ninh năng lượng.
Ở Việt Nam, bước một là triển khai E5 áp dụng cho RON 92.
2.
Em E5 đã chính thức ra mắt người tiêu dùng Việt Nam trên quy mô toàn quốc từ ngày 01/01/2018.
E5 chính là RON 92, 95% là xăng khoáng nhưng vì có 5% Ethanol nên có tên gọi là E5.
Sự kiện E5 làm xôn xao dư luận và người tiêu dùng. Cái gì lạ cũng gây cho người ta tò mò thậm chí băn khoăn, đó cũng là nhẽ thường ở mỗi con người. Việt Nam cũng thế mà thế giới cũng vậy.
Chắc để hỗ trợ người tiêu dùng và cũng là nhân một chính sách lớn của Nhà nước đi vào cuộc sống vì thế mà kỳ điều chỉnh giá đầu tiên khi em E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92, Liên bộ đã không trích lập Quỹ bình ổn (BOG) theo định mức chung là 300 đồng/lít, đồng thời, cho phép chi 857 đồng/lít từ BOG (tăng chi thêm 311 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 20/12/2017) để cho em E5 có giá hấp dẫn, gây ấn tượng với người tiêu dùng.
Như vậy, nếu tính như bình thường (vẫn trích lập BOG và không chi BOG) thì em E5 có giá cao hơn hiện nay là 1.157 đồng/lít.
Nếu tính như vậy, thì E5 (tức là RON 92) chênh lệch so với xăng RON 95-IV là: 893 đồng/lít mà thôi (lấy theo giá Petrolimex công bố tại Thông cáo báo chí số 001/2018/PLX-TCBC ngày 4/01/2018).
So sánh cái gì thì cũng nên quy về cùng một mặt bằng, mặt bằng đầu tiên ở đây là cơ chế hình thành giá cơ sở, thì ta mới nhìn thấy cái chuẩn chỉ.
Còn nếu cứ lấy 20.290 đồng/lít (RON 95-IV vùng 1) - 18.240 đồng/lít (E5 vùng 1) = 2.050 đồng/lít chênh lệch rồi lại bảo đấy là tăng giá chị 95 sang chảnh thì cũng là nói cho nó văn để thêm phần vui vẻ mà thôi.
893 đồng và 2.050 đồng rõ ràng là 2 ấn tượng khác nhau. Một bên là hợp lý còn một bên nghe như là bị làm sao ấy.
3.
Ờ thì đúng là cái gì cũng phải có khái niệm. “phổ thông” hay “không phổ thông” cũng là một khái niệm. Cơ mà “xăng thường” và “xăng cao cấp” cũng là một khái niệm.
Một đằng nói về lượng và một đằng nói về chất.
Mà ngay xăng cao cấp (ở Việt Nam hiện nay là RON 95) cũng còn có Euro 4, Euro 5 (giống như anh Điêzen 0,05S-II & 0,001S-V là vậy).
Mỗi cái tên là một sự khác biệt, mỗi sự khác biệt là một mức giá khác nhau. Đó chính là thị trường thế giới mà chúng ta đang tiếp cận, tiến tới theo cách của chúng ta: Xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Cái sự chuẩn chỉ, rõ ràng, mạch lạch luôn là cần thiết. Mọi việc rõ ràng thì tạo lập được sự đồng thuận. Các Cụ dạy rằng “nói phải củ cải cũng nghe” là vậy.
Thôi thì mình cứ mộc mạc mà nói cho nó dễ hiểu. Trong cuộc sống của ma trận thông tin ngày nay, mỗi một sự hiểu đúng đều rất đáng trân trọng.
Câu chuyện nàng Xăng là vậy. Ngày Xuân nàng E5 làm cho chị 95 sang chảnh thêm phần nổi tiếng là vậy ha.