Chưa điều chỉnh giá xăng dầu
Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải chủ trì họp báo. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Công Thương ngày 29/10, ông Nguyễn Xuân Chiến- Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương- cho biết, Liên Bộ Tài chính- Công Thương vẫn theo dõi sát sao diễn biến giá xăng dầu thế giới. Nếu đủ điều kiện sẽ giảm giá xăng dầu ngay.
CôngThương -Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới có giảm nhưng việc giảm giá không liên tục, có ngày tăng, ngày giảm, diễn biến tương đối bất thường. Liên Bộ vẫn liên tục bám sát, theo dõi biến động giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên hiện nay, trong cơ cấu tính giá bán lẻ xăng dầu đã không tính 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và vẫn tiếp tục sử dụng 500 đồng/lít trong Quỹ bình ổn. Qua theo dõi giá cơ sở cho thấy, vẫn chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, chưa đủ điều kiện để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngay được.
“Chúng tôi rất chia sẻ với mong muốn giảm giá xăng dầu của doanh nghiệp sản xuất và người dân, những đối tượng liên quan đến tiêu thụ xăng dầu. Khi có điều kiện chúng tôi sẽ giảm giá xăng dầu ngay”- ông Chiến nói.
Liên quan đến kinh doanh xăng dầu, phát biểu tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương tháng 10/2012, ông Phạm Đức Thắng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Trong tháng 10, so với cùng kỳ, giá các sản phẩm xăng dầu thế giới tăng 12% nhưng bước giá lại không theo quy luật nào, thậm chí trong vài ngày bước giá chênh đến 5 USD/thùng, tương đương 1 ngày tăng khoảng 1.000 đồng/lít. Với giá thế giới biến động mạnh như thế dù Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã điều hành giá theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP (điều chỉnh 11 lần từ đầu năm) nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo Nghị định 84.
Ông Thắng nêu ý kiến, vì xăng dầu là mặt hàng phải bình ổn giá, do đó cần phải quy định rõ thời điểm nào là thời điểm bình ổn và ai công bố việc bình ổn. Cần sửa Thông tư 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 84. Bởi vì hiện nay trong kết cấu giá xăng dầu, phần phí của doanh nghiệp quy định là 600 đồng/lít xăng dầu, lãi định mức là 300 đồng/lít, tổng cộng là 900 đồng/lít. Trong khi chi phí này không đảm bảo cho kinh doanh xăng dầu.
Ông Thắng cũng cho rằng, việc quản lý thông tin điều chỉnh giá phải làm sao không để bị lộ để tránh đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
Dừng dự án thủy điện Đồng Nai vì môi trường
Cũng trong buổi họp báo, ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục điều tiết điện lực- cho biết: Qua việc rà soát chi phí sản xuất kinh doanh điện từ tháng 7 đến tháng 9 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, chi phí thực tế thấp hơn so với chí phí trong khâu phát điện theo kế hoạch cho nên sẽ không thực hiện việc điều chỉnh giá điện trong tháng 10 và 11/2012.
Theo báo cáo của EVN, sản lượng điện tháng 10 ước đạt 9,9 tỷ kWh, tăng 11,8% so với tháng 10/2011; tính chung 10 tháng ước đạt 95,6 tỷ kWh, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Điện cho các tháng còn lại sẽ cân đối đảm bảo đủ, riêng tháng 11 sản lượng điện có thể đạt 9,7 tỷ kwh, thấp hơn tháng 10.
Trong năm 2012, EVN dự kiến đưa vào 6 tổ máy, trong đó có 1 tổ máy của Thủy điện Bản Chát nhằm đảm bảo việc cung cấp điện cho năm 2013. Đồng thời, EVN đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện năm 2013 có thể tăng 13% so với năm 2012. Tuy nhiên, qua việc đánh giá của Cục điều tiết điện lực Bộ Công Thương, dự kiến GDP năm 2013 chỉ tăng khoảng 5,5% nên mức tăng trưởng điện 13% sẽ là hơi cao so với thực tế. "Trên cơ sở cung ứng điện trong tháng 11/2012 EVN sẽ có những dự báo chính xác hơn, phản ánh đúng bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2013 và Cục điều tiết điện lực sẽ phối hợp với EVN cập nhật để đưa ra con số chính xác nhất cho cung ứng điện 2013"- ông Đặng Huy Cường nói.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá bán than cho điện do Cục quản lý giá Bộ Tài chính đề xuất sẽ tăng vào cuối năm 2012 hoặc sang quý I/2013, ông Cường cũng cho hay, quan điểm của Cục điều tiết điện lực là lộ trình điều chỉnh này cần được cân nhắc phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá điện."Việc điều chỉnh giá than cho điện sẽ gây tăng chi phí tương đối đáng kể so với giá thành sản xuất điện của EVN"- ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, từ đầu năm 2012 đến nay, giá than bán cho điện đã được điều chỉnh 2 lần để thực hiện mục tiêu theo cơ chế thị trường. Cụ thể, ở lần thứ nhất, ngày 1/7, giá than bán cho điện chỉ được tăng từ 10 đến 11,5%. Tổng doanh thu tăng thêm của TKV chỉ đạt 300 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 13/9, giá than bán cho điện tăng tiếp từ 28% đến gần 40%. Với mức tăng trên, hiện giá than bán cho điện đã đạt bằng 70% giá thành than năm 2011.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Khắc Thọ- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng Bộ Công Thương- cũng cho biết, việc dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6a liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường và đảm bảo quy hoạch ngành.
Hiện Việt Nam có khoảng 2.200 con sông, suối vừa và nhỏ, việc khai thác làm thủy điện sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, nhiều dự án thủy điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến dân cư và môi trường. Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo các bộ ngành và địa phương khẩn trương rà soát lại các dự án thủy điện và nhỏ, cương quyết không cho triển khai các dự án chiếm nhiều đất và ảnh hưởng đến dân cư. "Quan điểm của Tổng cục, nếu các dự án thủy điện nói chung mà tương tự như Đồng Nai 6 và 6a nếu ảnh hưởng đến môi trường cũng sẽ dừng triển khai"- ông Thọ nói.