Luôn dẫn đầu & làm thật
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) đơn vị duy nhất đại diện ngành Công Thương nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam 2017.
Nhân dịp này, ông Vương Thái Dũng - Phó tổng giám đốc Petrolimex đã dành cho Tạp chí Công thương (TCCT) buổi phỏng vấn chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường. TCCT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
An toàn cho chính chúng ta!
- Hiện nay, BVMT là một trong những chỉ tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Nhận thức và hành động của Petrolimex về vấn đề này ra sao để có thể thực hiện được hiệu quả nhất, thưa ông?
Gần đây Việt Nam mới đưa ra các tiêu chí và phương thức để xác định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bản thân Petrolimex từ rất lâu rồi đã luôn xác định công tác an toàn nói chung và công tác BVMT, phòng chống cháy nổ nói riêng là nhiệm vụ rất đặc biệt bởi:
Thứ nhất, nó bảo đảm an toàn tính mạng của người lao động (NLĐ) - nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Thứ hai, nó là yếu tố tiền đề để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) đạt hiệu quả.
Như vậy, BVMT trước hết là an toàn cho chính chúng ta, cho hoạt động SX-KD của chính doanh nghiệp và nói rộng ra là cho cả xã hội.
- Áp lực đối với Petrolimex ra sao khi vừa phải phát triển SX-KD hiệu quả, vừa phải đảm bảo ATMT?
Tôi nghĩ gọi là áp lực thì cũng không đúng lắm, nhưng có thể nói như thế này:
Đối với xăng dầu thì BVMT và an toàn phòng chống cháy nổ luôn song hành cùng nhau; bởi khi mất an toàn về môi trường thì rất dễ dẫn đến mất an toàn cháy nổ.
Như vậy, một việc đồng thời phải đảm bảo hai mục tiêu, cho nên lúc nào chúng tôi cũng đặt vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ & an toàn môi trường đồng hành song song với nhiệm vụ SX-KD trong toàn Tập đoàn.
- Quan điểm của Petrolimex về BVMT như thế nào trong SX-KD để phát triển bền vững, thưa ông?
Nói về môi trường thì rất là rộng, nhưng đối với BVMT trong kinh doanh xăng dầu thì có những vấn đề rất cụ thể.
Anh làm việc trong một cơ sở xăng dầu, nếu như anh mất an toàn về môi trường thì hậu quả là cháy là nổ là rất nguy hiểm.
Trước hết, là nó thiệt hại đến tính mạng NLĐ trong doanh nghiệp.
Từ thiệt hại NLĐ về tính mạng hoặc về sức khỏe thì đều là thiệt hại của doanh nghiệp và như thế hiệu quả SX-KD cũng bị ảnh hưởng. Trầm trọng hơn nữa có thể gây ra các thảm họa ảnh hưởng đến môi trường và an ninh xã hội.
Vì vậy, từ người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn cho đến NLĐ trực tiếp ở các cơ sở xăng dầu chúng tôi luôn xác định làm tốt công tác BVMT thì trước hết là làm cho chính chúng ta, cho từng cá nhân chúng ta; tiếp đó là quyền lợi của doanh nghiệp để phát triển bền vững, sau đó rộng ra là BVMT và xã hội.
Chúng tôi cho rằng: Công tác BVMT không chỉ dừng lại ở việc hô hào, mà nó là ý thức về sự sinh tồn của mình và doanh nghiệp, là các quy chuẩn an toàn, việc đầu tư trang thiết bị, huấn luyện các kỹ năng để hành động hiệu quả và nhất quán của tất cả NLĐ Petrolimex. Chúng tôi gọi nó là Nhiệm vụ số 1 là vì thế.
Chủ động, tiên phong
- Được biết, Petrolimex luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về BVMT; luôn chủ động trong công tác BVMT. Ông có thể nói rõ hơn về thực tế này ở Petrolimex?
Hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex luôn chủ động trong công tác BVMT.
BVMT trong lĩnh vực xăng dầu thì có rất nhiều công việc để làm.
Chúng ta đều biết so với khu vực và thế giới, nền kinh tế và khoa học nước ta còn ở mức thấp, trong đó có BVMT.
Vì vậy, có rất nhiều những việc đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có Petrolimex.
Trong những năm qua, Petrolimex đã liên tục, chủ động có nhiều giải pháp cho công tác BVMT:
Một là, tuyên truyền vận động tất cả NLĐ trong doanh nghiệp luôn coi trọng công tác BVMT.
Hai là, dành một nguồn lực đáng kể cho việc đầu tư, nâng cấp công nghệ thiết bị cũng như cơ sở vật chất của mình để dần đáp ứng những đòi hỏi rất nghiêm ngặt của môi trường.
Và, chúng tôi đã làm được rất nhiều việc trong lĩnh vực này, đơn cử:
Thứ nhất, 10 năm trước đây chúng tôi đã lắp đặt thiết bị thu hồi hơi ở tất cả các hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) Petrolimex.
Petrolimex cũng là doanh nghiệp đầu tiên và đến thời điểm hiện nay cũng là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam lắp đặt hệ thống thu hồi hơi ở tất cả các CHXD.
Tại sao chúng ta phải làm như vậy?
Bởi vì, khi nhập xăng dầu từ ô tô xi téc (xe bồn) vào bể chứa tại CHXD thì xăng dầu sẽ chiếm chỗ không khí trong bể phải thoát ra đem theo xăng dầu ở dạng hơi.
Nếu không thu hồi thì hơi xăng đó sẽ “thở tự do” ra môi trường, thế là ô nhiễm môi trường và tạo nguy cơ cháy nổ.
Nhưng, Petrolimex có hệ thống thu hồi hơi, tất cả hơi xăng dầu bay ra ngoài đều được thu gom lại, không bị xả tự do ra môi trường.
Cái này chúng tôi đã làm gần 10 năm, đây cũng là chủ động của Tập đoàn chứ không có yêu cầu nào, quy định nào của pháp luật bắt buộc phải làm việc này. Đấy là chúng tôi đã chủ động đi trước một bước.
Thứ hai, toàn bộ bể chứa xăng dầu đều được lắp đặt hệ thống mái phao.
Mái phao luôn nằm sát bề mặt của xăng dầu trong bể theo nguyên tắc “nước nổi bèo cũng nổi”, nó làm hạn chế sự bay hơi tự nhiên của xăng dầu tồn chứa trong bể; đặc biệt là trong quá trình nhập - xuất, tương tự như đã nói ở trên. Như vậy, môi trường sẽ không bị ảnh hưởng.
Thứ ba, chúng tôi vừa đầu tư hệ thống thu hồi hơi (VRU) tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang (Petrolimex Hà Nội); đã nghiệm thu, khánh thành, chính thức đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Petrolimex.
Cũng là thu hồi hơi xăng nhưng nó ở quy mô lớn hơn, nghĩa là xuất từ bể ra ô tô xi-téc (xe bồn) và va gông xi-téc (toa chở dầu chuyên dụng bằng đường sắt).
Đấy là những cái lớn chúng tôi làm. Bên cạnh đó, Petrolimex còn làm được rất nhiều chương trình khác.
Ví dụ như xử lý nước thải và xử lý chất thải. Từ năm 2005, trước khi có các quy định về quản lý chất thải nguy hại, Tập đoàn đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng đốt các chất thải nhiễm dầu phát sinh tại công trình xăng dầu.
Hiện nay, Xưởng xử lý chất thải cặn dầu tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đã được nâng cấp đầu tư hiện đại, đáp ứng các yêu cầu và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Đối với xử lý nước thải tại các kho xăng dầu, trong các năm gần đây, Tập đoàn đã chủ động đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, cải tạo các hệ thống, thiết bị xử lý nước thải nhiễm dầu để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác BVMT.
Có thể nói, Petrolimex đã rất chủ động trong công tác BVMT.
Tôi xin nhấn mạnh rằng: Tất cả các việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ ý thức trách nhiệm của chúng tôi đối với NLĐ của mình, đối với doanh nghiệp mình và đối với môi trường; chứ không có một quy định nào của Nhà nước, của pháp luật bắt buộc chúng tôi phải làm như vậy.
Sự khác biệt Petrolimex
- Nhằm BVMT, không để xảy ra sự cố rò rỉ, hạn chế tối đa tác động đến môi trường cũng như đảm bảo môi trường sạch, an toàn cho NLĐ, Petrolimex đã đầu tư cho công tác này như thế nào?
Bên cạnh những sáng kiển cải tiến, giải pháp kỹ thuật do đội ngũ kỹ sư - NLĐ Petrolimex tự làm được; chúng tôi nghiên cứu lựa chọn, nhận chuyển giao công nghệ thiết bị hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới để áp dụng.
Thực ra, những việc Petrolimex làm mà tôi vừa nói trên không phải là cái gì mới. Trên thế giới họ làm rất lâu rồi nhưng ở Việt Nam thì mới chỉ có Petrolimex làm thôi.
Đương nhiên, nói thì đơn giản thế thôi nhưng tổ chức thực hiện là quá trình thực hiện rất nan giải từ tất cả các nghiên cứu đó làm sao cho nó phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng như phải có tiền mới thực hiện được.
Chúng ta đều biết chi phí cho công tác BVMT là rất lớn.
Vì thế, rất dễ hiểu vì sao một số doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam để xảy ra các sự cố môi trường, không xử lý nước thải, chất thải để làm ô nhiễm môi trường mức độ trầm trọng như báo chí đã nêu liên tục trong thời gian qua,…
Không phải họ không biết điều đó mà là do chi phí BVMT là rất lớn, mà chi phí nhiều sẽ giảm lợi nhuận của DN trong thời gian họ hoạt động ở nước ta.
Tôi dẫn chiếu đến điều này là để nêu bật lên được ý thức tránh nhiệm và quyết tâm rất lớn Petrolimex, tức là đầu tư BVMT dù biết rằng lợi nhuận sẽ giảm đi, nhưng doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của NLĐ.
Tôi cho rằng: Đấy chính là sự khác biệt Petrolimex, chính là văn hóa Petrolimex, là thương hiệu Petrolimex mà chúng tôi rất đỗi tự hào.
Con người là quyết định
- Như vậy, việc đầu tư chuyên nghiệp và bài bản, hiện đại sẽ giải quyết tận gốc cho vấn đề BVMT tại doanh nghiệp?
Đó là yếu tố quan trọng, nhưng không phải tận gốc trong BVMT.
Tôi cho rằng: Cái quan trọng nhất vẫn là ý thức nhận thức của NLĐ, của doanh nghiệp; của mỗi CBCNV-NLĐ và của Người đứng đầu mỗi doanh nghiệp.
Công nghệ thiết bị thì không thể thiếu được nếu chúng ta muốn làm tốt công tác BVMT, chúng ta không thể thiếu kinh phí nhưng cái quyết định vẫn là nhận thức, là ý thức của con người và trách nhiệm của con người với môi trường.
Con người vẫn là yếu tố quyết định!
- Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết của nhân sự quản lý môi trường trong doanh nghiệp? Mỗi đơn vị thành viện của Tập đoàn cần có số lượng nhân sự bao nhiêu để việc quản lý có hiệu quả?
Chúng tôi có một đội ngũ nhân lực cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật làm công tác BVMT từ Tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên.
Tùy quy mô và tính chất ngành nghề cụ thể của mỗi đơn vị. Quy mô SX-KD lớn nhỏ khác nhau thì nhân sự làm công tác này có thể là khác nhau số lượng, nhưng tất cả các đơn vị đều có một bộ máy làm công tác này.
Tập đoàn thì có một lãnh đạo Tập đoàn phụ trách công tác này, còn các đơn vị thành viên sẽ có một lãnh đạo công ty hay lãnh đạo tổng công ty phụ trách công tác này giúp việc cho họ có cả một hệ thống bộ máy để mà tư vấn, đề xuất các chính sách các quy định cũng như các giải pháp để làm công tác BVMT.
Ở Petrolimex, không chỉ NLĐ trực tiếp mới làm công tác BVMT mà tất cả NLĐ trong toàn hệ thống Petrolimex trên cả nước người nào cũng nhận thức được rằng, BVMT chính là đầu tư cho phát triển, người nào cũng có trách nhiệm là BVMT bằng những việc làm cụ thể của mình, bằng những công việc hằng ngày mình làm để góp phần làm tốt công tác này.
Khát vọng nhưng phải thực tiễn
Ông Vương Thái Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
- Trong xu thế hội nhập & phát triển, những việc Petrolimex đã làm trong công tác BVMT, ông đã hài lòng chưa hay còn mong muốn gì cần phải làm tiếp?
Như tôi đã nói, công tác BVMT có nhiều việc phải làm và Petrolimex cũng đã làm được rất nhiều việc; tuy nhiên chúng tôi cũng chưa hài lòng kết quả mà mình đã đạt được.
Trong xu thế mở cửa hội nhập hiện nay, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường của tất cả các doanh nghiệp Việt ngày càng được coi trọng và vì vậy chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa.
Cái quan trọng hơn, theo tôi là: Chúng ta phải làm thật, thật với mình, với NLĐ, với doanh nghiệp và thật với xã hội; chứ không phải là làm để đối phó với quy định của Nhà nước, đối phó với các cơ quan thanh kiểm tra về lĩnh vực môi trường.
Đó chính là chất nhân văn trong kinh doanh, là nhân tố quan trọng của sự trường tồn của một doanh nghiệp.
- Từ thực tế của doanh nghiệp, Petrolimex có kiến nghị gì trong công tác BVMT?
Chúng ta đã có nhiều quy định của pháp luật về BVMT. Ngoài Luật BVMT còn có các nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn thi hành của các ngành. Đó là một điều tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những nội dung chồng chéo/khúc mắc. Nếu như có sự phối hợp chặt chẽ trong rà soát và lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp, từ xã hội để khả thi và phù hợp thực tiễn thì tốt hơn.
Chúng ta có khát vọng, nhưng chúng ta cũng nên thực tiễn hơn trong xây dựng và thực thi pháp luật về BVMT.