Bùng phát buôn lậu xăng dầu trên biển - Kỳ III
Sự bùng phát của nạn buôn lậu xăng trên biển đòi hỏi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách bất cập phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Cảnh sát biển Việt Nam - lực lượng chủ công chống buôn lậu xăng dầu trên biển
CôngThương -Kỳ III: Khống chế ngay từ “đầu nguồn”
Tại cuộc họp của VINPA mới đây, các DN hội viên đều rất bức xúc trước nạn buôn lậu xăng dầu đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng trên.
Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - thẳng thắn đặt câu hỏi: Nguồn xăng dầu trôi nổi đã tạo áp lực lên các DN đầu mối. Vậy phải chống như thế nào? Từ thị trường hay từ các giải pháp mang tính vĩ mô?
Ông Đặng Vinh Sang- Tổng giám đốc Saigon Petro - cho rằng: Vấn đề buôn lậu xăng dầu rất phức tạp vì liên quan đến giá cơ sở, liên quan cả giải quyết thù lao đại lý. Vì vậy, việc chống buôn lậu là hết sức cấp bách.
Ông Nguyễn Sỹ Văn - Giám đốc Petrolimex Nghệ An - đề xuất cách quản lý hạn chế xăng dầu nhập lậu: Nguồn xăng dầu lậu cuối cùng vẫn phải thông qua kênh bán lẻ là các cửa hàng xăng dầu, số lượng này ước tính chiếm tới 90%. Để kiểm soát chặt “đầu vào, đầu ra”, ông Văn kiến nghị: Cần ban hành quy định, hàng tháng, cơ quan Thuế quản lý số lũy tiến của từng cột bơm xăng dầu để nguồn hàng xăng dầu lậu hoặc không có nguồn gốc nhập vào các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là tại các cây xăng của DN tư nhân thông qua cách kẹp chì đồng hồ đếm đã có, ngăn chặn tình trạng can thiệp từ bên ngoài. Nếu nhập 1 mà bán 3 thì chắc chắn 2 phần là hàng trôi nổi, nhập lậu, phải truy thu thuế và xử lý về pháp luật.
Tại dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA, Ban soạn thảo đưa ra quy định: Tất cả hồ sơ, chứng từ kèm theo từng lô hàng, chuyến hàng lưu thông trên đường từ cửa khẩu nhập đến nội địa, cũng như bày bán ở cửa hàng, kho bãi phải xuất trình được hồ sơ nhập khẩu hợp pháp, hóa đơn chứng từ và các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật tại thời điểm cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra |
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo 389. Theo đó, VINPA kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần tổ chức lại lực lượng chống buôn lậu xăng dầu trên biển phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay, có thể dưới hình thức Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển để thống nhất phối hợp giữa các cơ quan chức năng chống buôn lậu, thống nhất quan điểm, mục tiêu, tổ chức lại lực lượng từ TW tới địa phương, giao trách nhiệm cho lực lượng nòng cốt này và người đứng đầu (Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường…). Thứ hai, dự báo để chủ động các phương án chống buôn lậu xăng dầu trên biển từ xa như: nguồn xăng dầu lậu, đối tượng tổ chức, cách thức, thủ đoạn tổ chức, thậm chí dự kiến cả số lượng xăng dầu lậu sẽ đưa vào vùng biển Việt Nam.
VINPA cũng đề nghị cơ quan chống buôn lậu các tỉnh, phối hợp với Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển, nắm chắc các đầu nậu, mạng lưới phân phối xăng dầu lậu, kể cả hệ thống kinh doanh xăng dầu nội địa, các phương tiện vận tải thủy để phát hiện kẻ cầm đầu các đường dây buôn lậu; phối hợp chặt chẽ giữa Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển với các cơ quan chức năng tham gia chống buôn lậu, chính quyền các địa phương. Cụ thể, theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn VINPA, cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng: Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và các cơ quan địa phương… xác định được địa bàn trọng điểm, địa bàn liên tuyến, vùng biển ráp ranh. Từ đó làm rõ thủ đoạn của đối tượng buôn lậu và có các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ chặt chẽ để các đối tượng buôn lậu dễ lợi dụng. Ông Khanh dẫn chứng: Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA về hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường đang có “kẽ hở” bị đối tượng buôn lậu xăng dầu lợi dụng. Theo quy định thông tư này, đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nếu không đủ chứng từ thì sau 72 giờ mới được xử lý. Lợi dụng thời gian “chờ xử lý”, đối tượng gian lận chỉ cần vài tiếng sau đã hoàn thành đủ chứng từ hóa đơn.
Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT - đề nghị, các doanh nghiệp, VINPA cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chống buôn lậu trong việc cung cấp các thông tin có liên quan đến tình hình buôn lậu xăng dầu. Ngoài ra, có hình thức khen thưởng thoả đáng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.