Bùng phát buôn lậu xăng dầu trên biển - Kỳ I
Thời gian gần đây, các vụ buôn lậu xăng dầu trên biển với khối lượng lớn liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát hiện gây bức xúc đối với dư luận và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vấn nạn này cũng cho thấy, buôn lậu xăng dầu đang bùng phát thành “dịch”.
Cảnh sát biển bắt giữ tàu vận chuyển dầu không rõ nguồn gốc
CôngThương -Kỳ I: NHẬN DIỆN ĐIỂM NÓNG
"Đại dịch" buôn lậu xăng dầu?
Gần đây nhất, ngày 6/8/2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tiến hành bắt giữ xe ô tô tải vận chuyển hơn 17.000 lít dầu diezel đang lưu thông trên đường. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số dầu nói trên. Chiếc xe tải trên đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH Vân Xuân (trụ sở đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng). Được biết, số dầu diezel nói trên được mua lại từ các tàu biển ở cảng Tiên Sa, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trước đó, ngày 5/8, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển tỉnh Tiền Giang, tổ công tác đoàn đặc nhiệm miền Nam thuộc Cục phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng phát hiện tàu Hàm Luông 12, biển kiểm soát SG6255 có dấu hiệu khả nghi. Qua kiểm tra, Thuyền trưởng Nguyễn Phượng Hoàng, sinh năm 1966, ngụ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô hàng gồm 258.000 lít xăng A92 và 557.000 lít dầu diezel (DO).
Ngày 26/7, tại khu vực Hòn Nét, Cẩm Phả, Quảng Ninh, đội kiểm soát Hải quan số 2 tiến hành kiểm tra phương tiện thủy biển kiểm soát QN-5698. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu chở khoảng 20.000 lít dầu mazut (FO) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Kết quả giám định cho thấy, toàn bộ số hàng trên là 16 tấn dầu FO, có trị giá khoảng 160 triệu đồng. Ngày 6/7, tại khu vực biển gần Hòn Thơm - Phú Quốc, Kiên Giang, lực lượng Cảnh sát Biển phát hiện tàu biển có biển hiệu Ngân 02-KG 56068 có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện tàu thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Phúc Ngân (Kiên Giang) đang chở khoảng 40.000 lít dầu DO nhưng không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu này…
Ngoài những vụ điển hình như trên, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiên, bắt giữ các tàu buôn lậu xăng dầu trên biển như vụ tàu Thành Trung 01 vận chuyển 16 tấn dầu DO; bắt giữ tàu Thiện Hòa số hiệu BV 0585 thuộc Công ty TNHH Thiện Hòa vận chuyển khoảng 450.000 lít dầu DO… có hành vi buôn lậu gian lận thương mại. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu của Nguyễn Trường Sơn (biệt danh Sơn “sắt”) - Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại số 9 Triệu Quốc Đạt, TP. Thanh Hóa. Số lượng xăng dầu buôn lậu xăng dầu lên đến hàng chục nghìn tấn.
Riêng lực lượng Quản lý thị trường, 7 tháng đầu năm 2014, đã kiểm tra 1.086 lượt, xử lý 92 vụ vi phạm, trong đó xử lý 1 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu nhập lậu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 2 tỷ đồng.
Cảnh sát biển bắt giữ tàu Mỹ Nam 01 đang vận chuyển 98.000 lít dầu FO
Các tàu buôn lậu đều có bộ chứng từ “khống”, khi bị bắt thì nhanh chóng hoàn thiện bộ chứng từ này để đối phó với lực lượng chức năng. |
Những cung đường buôn lậu
Thực tế cho thấy, so với các nước cùng chung biên giới đường biển, giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu diezel tại Việt Nam thường cao hơn Malaysia, Indonesia và thấp hơn Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc… Đây là lý do chính khiến các đối tượng buôn lậu xăng dầu tăng cường hoạt động để kiếm lời.
Theo ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA)- cho biết, hoạt động buôn lậu xăng dầu đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng “nóng” nhất tại các vùng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt ở vùng biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… buôn lậu xăng dầu ngày càng phức tạp. Đơn cử như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Vùng cảnh sát biển 3 đã phát hiện, bắt giữ hơn 10 vụ buôn lậu, sang mạn, vận chuyển, mua bán, trao đổi xăng dầu trái phép trên các tuyến sông, biển của tỉnh.
Thủ đoạn buôn lậu xăng dầu trên biển rất tinh vi, những “ông chủ” buôn lậu thường không trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu mà chỉ đạo thuyền trưởng, người áp tải hàng hoặc thành lập công ty với danh nghĩa nào đó để thực hiện hành vi buôn lậu. Đơn cử như vụ buôn lậu của Công ty TNHH Hoàng Sơn - doanh nghiệp này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Trường Sơn (Sơn Sắt).
Một thủ đoạn khác khá phổ biến, đó là các đối tượng buôn lậu xăng dầu đưa tàu neo đậu ở vùng biển giáp ranh (phao số), lợi dụng đêm tối sang mạn cho các tàu nhỏ. Thủ đoạn này được Công ty TNHH Hoàng Sơn sử dụng trong thời gian dài. Để tiến hành giao dịch, các đối tượng dùng một tàu có trọng tải 5.300 tấn và một tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần 2.000-5.000 tấn xăng hoặc dầu. Tàu hàng được neo đậu tại vùng biển giáp ranh giữa Nam Định và Thanh Hóa. Từ đó, hàng được chuyển lên các tàu nhỏ đưa vào bờ. Sau đó lượng xăng dầu nhập lậu này được hợp thức hóa chứng từ và xuất bán cho các công ty để trốn thuế.
Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn mới là tàu buôn lậu giả danh tàu đánh cá để thực hiện hành vi buôn lậu, như vụ việc lực lượng chức năng đã bắt tàu Quế Phòng 01619 của Trung Quốc đóng vỏ gỗ bên ngoài giả danh tàu đánh cá nhưng bên trong toàn bộ là vỏ sắt để chở dầu lậu.
Ngoài ra, các tàu buôn lậu đều có bộ chứng từ “khống”, khi bị bắt thì nhanh chóng hoàn thiện bộ chứng từ này để đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí, để che mắt các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu dùng thiết bị định vị vệ tinh để xác định nơi giao nhận dầu, thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng...