‘Bom đạn không thể rung chuyển trái tim người chiến sỹ’
“Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con”.
* Cổng TTĐT Chính phủ tri ân các gia đình chính sách tại Hà Tĩnh
Đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Nhật Bắc
Từng dòng thư của chị Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, một trong 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Đồng Lộc đã đọng lại trong tâm trí Đoàn công tác những xúc cảm không thể nào quên khi đến thăm mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng.
Hà Tĩnh - mảnh đất anh hùng
Đoàn công tác của Cổng TTĐT Chính phủ rời Hà Nội về miền Trung trên chuyến tàu Bắc Nam, chuyến tàu chở nặng tình cảm, sự sẻ chia của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Cổng TTĐT Chính phủ đối với những gia đình thương binh, bệnh binh; gia đình có công với cách mạng. Đi dọc miền quê hương đất nước, ngắm nhìn cảnh đẹp thanh bình mới thấm thía sự hy sinh vô cùng lớn lao của các các thế hệ cha anh đi trước.
Hà Tĩnh mảnh đất miền Trung-điểm đến của Đoàn công tác Cổng TTĐT Chính trong hành trình “về nguồn” là mảnh đất đầy nắng gió và cát, quanh năm gánh chịu biết bao nhiêu thiên tai lũ lụt vẫn luôn anh dũng kiên cường cả trong chiến tranh bão lửa và khi đất nước hòa bình.
Hà Tĩnh cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, của những nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là nơi có nhiều làng quê nổi tiếng với văn chương, khoa bảng và chí khí anh hùng; là nơi ghi lại dấu ấn của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng hàng trăm chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ con đường huyết mạch của Tổ quốc.
Về Hà Tĩnh đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2018) và hướng đến kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018), Đoàn đã dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc nơi đã ghi danh gần 4.000 các Anh hùng liệt sỹ.
Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc.
Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4.
Trong suốt 7 tháng “ném bom hạn chế” trong năm 1968, địch đã tập trung đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc với một khối lượng bom đạn rất lớn, song các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây vẫn kiên cường bám trụ trận địa, tổ chức đánh địch hiệu quả; đảm bảo an toàn cho việc thông xe, thông đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Nhật Bắc
Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường. Trong đó điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết một lòng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ; phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường; góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới; huy động 42.620 người phục vụ chiến đấu; đào đắp 95.209m3 gỗ; cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy... làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ. Nơi đây đã trở thành huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.
10 đóa hoa bất tử Đồng Lộc
Đoàn đã thành kính nghiêng mình thắp hương tưởng nhớ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Tại đây thay mặt lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Vi Quang Đạo đã trao tặng 10 suất quà cho thân nhân gia đình của 10 nữ Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc; thể hiện nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, phóng viên, biên tập viên Cổng TTĐT Chính phủ.
Ảnh: Nhật Bắc
Tổng Giám đốc Vi Quang Đạo bày tỏ sự xúc động khi đến đây - “địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng”, gợi nhớ lại một thời kỳ bom đạn chiến tranh khốc liệt. Thời kỳ mà hầu hết những cán bộ trẻ của Cổng TTĐT Chính phủ trong hành trình tri ân này chủ yếu sinh ra khi đất nước hòa bình chưa trải qua, sẽ có dịp được tìm hiểu, cảm nhận những bài học lịch sử, những chiến công hiển hách của dân tộc.
Đón nhận những tình cảm của lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Hồ Trường Thanh (69 tuổi), em trai của nữ liệt sỹ Hồ Thị Cúc-Tiểu đội phó, Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đã gửi lời cảm ơn chân thành đến nghĩa tình của Đoàn công tác, đây là nguồn động viên to lớn đối với thân nhân gia đình 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Đồng thời ông cũng cho biết, trong suốt những năm tháng qua, thân nhân gia đình 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, địa phương, các đoàn thể, tổ chức bù đắp những đau thương, mất mát của gia đình 10 nữ liệt sỹ.
Ảnh: Nhật Bắc
Chia sẻ lại những ký ức không thể nào quên, ông Hồ Trường Thanh vẫn bồi hồi xúc động, trưa 24/7/1968, 10 cô gái thanh niên xung phong đi làm nhiệm vụ như mọi ngày, sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Đến ngày thứ 3 thi thể của chị Hồ Thị Cúc, chị gái ông mới được tìm thấy trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.
Hình ảnh ấy, sự hy sinh to lớn ấy khiến bao thế hệ người Việt Nam nghẹn ngào thương xót, cảm phục và khắc ghi; nhà thơ Yến Thanh đã gọi tên chị Hồ Thị Cúc trong bài thơ “Cúc ơi” của mình:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp.
Chín bạn đã quây quần đủ hết.
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?...
….Gọi em,
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi!”
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc. Ảnh: Nhật Bắc
Tinh thần bất diệt của 10 đóa hoa bất tử Đồng Lộc sẽ còn mãi, cũng như khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt” sẽ là bài học lịch sử, thôi thúc thế hệ trẻ phải phấn đấu học tập góp phần cống hiến cho đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những người đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Đoàn công tác chân thành cảm ơn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã đồng hành cùng Cổng TTĐT Chính phủ trong hành trình tri ân này. |