Bộ Tài chính: Tăng thuế xăng dầu để cân bằng ngân sách, bảo vệ lợi ích quốc gia
Trước thông tin dư luận băn khoăn về việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên 3.000- 8.000 đồng/lít, chiều 10/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)nhấn mạnh: Thuế BVMT là công cụ hiệu quả và khả thi trong bối cảnh ngân sách Nhà nước (NSNN) khó khăn. Nếu không điều chỉnh thuế này thì sẽ thiệt hại về lợi ích quốc gia.
Theo ông Thi, việc sử dụng thuế nội địa, trong đó có thuế BVMT là một trong những giải pháp hiệu quả và có tính khả thi để thực hiện các phương án cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đặc biệt trước diễn biến khó lường giá dầu trên thế giới sụt giảm nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Bộ không chỉ đề xuất sửa đổi khung thuế suất BVMT đối với mặt hàng xăng dầu mà còn với cả nilon, dung dịch HCFC. Đây là những loại hàng hóa gây tác động xấu đến tầng ozon.
Trả lời câu hỏi báo giới quan tâm “Tại sao phải điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?”, ông Thi nhấn mạnh: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng. Theo đó, các nước trên thế giới cũng đã đưa xăng dầu vào diện thu thuế TTĐB, thuế BVMT nhằm mục đích bảo vệ môi trường với những tên gọi khác nhau như: Thuế năng lượng, Thuế nhiên liệu….
Hiện nay, xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và khung thuế hiện hành là 1.000 - 4.000 đồng/lít và mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít.
Năm 2015, khi nâng mức thuế BVMT với xăng dầu tư 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít cũng đã có nhiều tranh cãi, một số ý kiến cho rằng, việc tăng thuế như trên sẽ đánh vào người dân và tác động đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Mức thuế BVMT với xăng dầu 3.000 đồng/lít hiện nay đã gần chạm mức tối đa trong khung thuế hiện hành, do đó, Bộ Tài chính đánh giá, trong trường hợp cần thiết để điều chỉnh mức thuế BVMT để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ là rất khó. Trong khi đó, thuế nhập khẩu thì lại bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực. Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính phải đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT với mặt hàng này”, ông Thi phân tích.
Về tác động tăng giá xăng, Bộ Tài chính khẳng định: Thuế nhập khẩu xăng ở một số thị trường đã giảm xuống còn 10%, đến năm 2024 giảm xuống 0%, vì vậy, đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ không có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ngoài mức thuế BVMT, dư luận cũng đang đặt nhiều câu hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ thuế này. Thực tế cho thấy số thu từ thuế này rất lớn, riêng năm 2016, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường lên đến hơn 42.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ có 1/4 số thu này được dùng đúng mục đích.
“Tỷ lệ chi 1% tổng thu ngân sách cho sự nghiệp BVMT chỉ là phần chi trực tiếp, chưa tính đến phần chi gián tiếp. Thuế BVMT thu theo Luật NSNN và thực hiện chi theo Luật NSNN chứ không nói là thu thuế BVMT chỉ dùng để chi cho BVMT. Chẳng hạn, khi chi cho các dự án lớn như chi cho các công trình xử lý nước thải, chi xây dựng các công trình, dự án giao thông thì đã gián tiếp BVMT”, ông Thi giải thích. Do đó, theo ông, “không thể nói thuế BVMT là thu nhiều chi ít, chi không đúng mục đích”.
Mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế BVMT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Theo lộ trình, tháng 7/2017 dự án Luật thuế BVMT (sửa đổi) sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội để thẩm tra. Tháng 9/2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017 sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua. Nếu lộ trình này được xem xét thông qua, có thể thuế BVMT với xăng dầu sẽ có khung thuế mới cao hơn so với hiện tại.
Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết: Xăng dầu hiện chiếm khoảng 20% chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Khi tăng thuế thì sẽ tăng giá bán lẻ, làm đội chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Hiện có hơn 100.000 hộ kinh doanh cá thể, với chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu, sắp tới khả năng giá điện cũng có thể tăng, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, thuế nhập khẩu giảm bao nhiêu thì thuế nội địa tăng bấy nhiêu, không nên tăng cao hơn, để tránh tác động làm tăng giá xăng dầu. “Khung thuế cần được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước và cần có lộ trình tăng dần dần, không tăng quá đột ngột, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất và các sản phẩm sử dụng xăng dầu”, ông Thỏa nói.