Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường
Khách mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex 19, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và giá dầu thấp trong năm qua đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể người lao động cùng sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán trong việc triển khai các giải pháp cấp bách đã giúp Petrolimex từng bước vượt khó, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phát triển khách hàng
Tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex 19 (Công ty Xăng dầu Cao Bằng), các nhân viên luôn tay bơm xăng phục vụ khách, trong khi khách hàng thay dầu nhờn được phục vụ miễn phí tiền công. Chị Nguyễn Thị Tính, người được mệnh danh là "nữ kiện tướng" bán hàng cho biết, trong những năm qua chị luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu giao khoán của công ty, trong đó có nhiều mặt hàng vượt chỉ tiêu như dầu mỡ nhờn hộp, ga, nước giặt,... Chị đã không ngừng tự vận động tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ cũng như quan tâm, chăm sóc khách hàng, áp dụng đúng quy trình bán hàng "năm bước" thể hiện sự minh bạch, tạo sự tin tưởng của khách về dịch vụ, chất lượng cũng như nâng cao giá trị thương hiệu Petrolimex. Ở Cao Bằng, những người lao động của Petrolimex như chị Tính và các đồng nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc, phát triển khách hàng do địa hình miền núi phức tạp, rào cản về phong tục, tập quán, ngôn ngữ,... Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex 19 Hoàng Việt Hữu cho biết, mặc dù dịch Covid-19 gây tác động lớn trên địa bàn, nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, cửa hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công ty giao. Trong đó, sản lượng xăng dầu xuất bán trung bình mỗi tháng đạt 160 đến 180 m3, dầu rời 800 lít, cung ứng ga công nghiệp tăng 10 đến 15%,... Thời gian tới, cửa hàng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường, trong đó, chú trọng yếu tố con người nhằm nâng cao công tác tiếp thị, chăm sóc khách hàng, đồng thời tăng sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ðược giao nhiệm vụ làm Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 4 nằm trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang), những năm gần đây chị Phí Thị Ánh Nghĩa cùng các cán bộ, nhân viên luôn cố gắng vượt khó để mở rộng mạng lưới bán hàng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Theo chị Nghĩa, do địa hình miền núi, đường sá đi lại khó khăn, các phương tiện từ các nơi đến không nhiều nên việc kinh doanh chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Do mặt bằng thu nhập của người dân thấp, các nhân viên bán được hàng phải mất nhiều thời gian, công sức tư vấn, tiếp thị cũng như tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu thì họ mới mua và sử dụng. Trên địa bàn huyện có hơn 20 dân tộc, chủ yếu là người Dao, Tày, trong đó, mỗi dân tộc lại có nét văn hóa riêng nên muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh, nhân viên cửa hàng phải tìm hiểu phong tục, tập quán để tuyên truyền, tạo mối quan hệ thân quen thì mới buôn bán lâu dài, bền vững. Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, chăm sóc khách hàng nên doanh thu của cửa hàng ngày càng tăng trưởng với sản lượng xuất bán xăng dầu trung bình mỗi tháng đạt 300 đến 330 m3, các sản phẩm ngoài xăng dầu như ga, dầu mỡ nhờn cũng đạt mức tăng trưởng khá. Ðể đẩy mạnh bán hàng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, chăm sóc khách hàng, bản thân cán bộ, nhân viên cửa hàng cũng không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ để kịp thời xử lý các phát sinh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được công ty, tập đoàn giao.
Bảo đảm nguồn cung
Chia sẻ về những thành tựu đạt được tại đơn vị, Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 4 Phí Thị Ánh Nghĩa cho biết, cửa hàng đã xây dựng các phương án để đẩy mạnh bán hàng với chính sách ưu đãi riêng, phù hợp từng khách hàng; hỗ trợ bếp ga để đun nấu cho các em học sinh tại một số trường học bán trú tại các xã khó khăn; quảng bá, giới thiệu tính năng ưu việt của các sản phẩm Petrolimex như xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, ga hóa lỏng,... Theo lãnh đạo Công ty Xăng dầu Hà Giang, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản lượng xuất bán tại các cửa hàng, nhất là các cửa hàng khu vực trung tâm và dọc tuyến quốc lộ 2. Các mặt hàng kinh doanh ngoài xăng dầu cũng đang bị cạnh tranh mạnh trên mọi phương diện như về giá cả, chủng loại, chất lượng, cơ chế, phân phối, dịch vụ sau bán hàng dẫn đến thị phần, sản lượng xuất bán bị ảnh hưởng. Do đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng trôi nổi, không nguồn gốc trên thị trường. Tương tự, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Cao Bằng Nông Thị Hà cho biết thêm, đơn vị hiện có 22 cửa hàng xăng dầu và hai cửa hàng chuyên kinh doanh vật tư, ga, lon hộp dầu mỡ nhờn. Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sự cạnh tranh giữa các đầu mối kinh doanh xăng dầu và các mặt hàng khác diễn ra ngày càng quyết liệt, để đẩy mạnh bán hàng họ sẵn sàng tăng thù lao cho khách, hỗ trợ bể chứa, cột bơm,... nhằm lôi kéo khách hàng khiến công ty đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, các cấp, ngành cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư,
phát triển.
Theo lãnh đạo Petrolimex, năm 2020 là năm hết sức khó khăn với Tập đoàn khi sản lượng xăng dầu xuất bán giảm mạnh, các mặt hàng ngoài xăng dầu cũng tiêu thụ rất chậm khi nhu cầu tiêu dùng xã hội giảm mạnh. Trước khó khăn đó, lãnh đạo Tập đoàn đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với tổng sản lượng xăng dầu xuất bán toàn Tập đoàn đạt hơn 12 triệu m3, tấn, đạt 108% kế hoạch và bằng gần 90% so với năm 2019; doanh thu đạt gần 124 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.250 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch; nộp ngân sách 38.500 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch,... Theo Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Ðức Thắng, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cùng với giá dầu thấp, thị trường xăng dầu tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do đó, Petrolimex sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu cốt lõi, trong đó, tập trung phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu, đầu tư mới, hiện đại hóa hệ thống cửa hàng hiện hữu; quyết tâm hoàn thành việc áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và triển khai có lộ trình nhận diện thương hiệu mới trên toàn hệ thống. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thông qua nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số,... nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa trên thị trường.