Petrolimex và sứ mạng với vùng cao
Là những người làm phim, từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước, nhưng mỗi vùng đất đi qua cùng văn hóa, lịch sử, truyền thống và cảnh đẹp luôn khiến chúng tôi khát khao tìm hiểu.
Đoàn phim tác nghiệp tại Cảng dầu Bến Gót, TP. Việt Trì, Phú Thọ
Chúng tôi mang theo nỗi khát khao ấy cùng đoàn làm phim Petrolimex ký sự dọc theo các tỉnh Đông Bắc từ Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Và nỗi khát khao khám phá những vùng đất đi qua cứ dâng trào, thăng hoa trên mỗi cung đường.
Hà Nội, tháng Ba mưa phùn. Cơn mưa chỉ vừa đủ ướt tóc nhưng là những cơn mưa gợi nhớ, gợi thương cho những cư dân Hà thành sống xa quê mình, là những màn sương mỏng mảnh khiến những du khách đến Thủ đô nhớ mãi khôn nguôi. Hành trình của chúng tôi đi Đông Bắc xuất phát từ Thủ đô trong màn sương mưa phùn bảng lảng ấy.
Để lại cơn mưa phùn phía sau, thành phố Việt Trì đón chúng tôi bằng cái nắng xuân ấm áp. Xuân vẫn còn đấy thôi, những cành đào vừa bung nụ dọc hai bên đường, những cây bàng vươn chồi non. Cái sắc xuân ấy khiến chúng tôi hăng hái hơn trong công việc của mình.
Tác nghiệp tại cảng dầu Bến Gót, cảng nhập xăng dầu của Petrolimex từ Công ty Xăng dầu B 12 (Quảng Ninh), theo tuyến đường sông đến Phú Thọ. Từ đây, xăng nhập vào các bể chứa và phân phối cho các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... Câu chuyện huyền thoại về Bạch Hạc - Bến Gót như cuốn hút chúng tôi. Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, nơi còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do Âu Cơ sinh ra. Về sau, nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền nên được cư dân đặt tên là Bến Gót. Không xa là ngôi đình Bạch Hạc (đình thôn Việt Trì) là nơi thờ các vua Hùng, Đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ, Miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi. Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần ở ngã ba sông Hạc...
Anh Nguyễn Như Phục, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Xăng dầu Phú Thọ đưa chúng tôi đi và giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Công ty. Tại phường Bến Gót, nơi có cầu Cảng khá lớn xưa kia từng bị bom Mỹ phá nát. Bên cạnh những bể chứa xăng hiện đại vẫn còn lưu dấu những hố bom khổng lồ như minh chứng cho tội ác một thời của đế quốc Mỹ, của chiến tranh. Nhưng vùng đất thiêng của cha ông dường như chưa bao giờ bị khuất phục bởi bất kỳ kẻ thù nào. Vùng đất bốn ngàn năm lịch sử qua mỗi thời đại đã viết thêm những trang sử thiêng liêng mang tên niềm tự hào của dân tộc Việt.
Chúng tôi mang theo niềm tự hào về dòng máu Lạc Hồng đến đền Hùng để đốt nén hương lên bàn thờ Tổ tiên. Nơi bất kỳ người con đất Việt nào cũng khao khát một lần được đặt chân đến đất Tổ, nơi nhắc nhớ về cội nguồn thiêng liêng, nơi khắc sâu trong tâm khảm chúng ta niềm tự hào về dòng dõi con cháu Lạc Hồng.
Cán bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Tuyên Quang (Petrolimex Tuyên Quang) cùng đoàn làm phim chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Nưa
Chuyến xe chiều vội vàng đưa chúng tôi đến một vùng đất khác, mảnh đất cội nguồn, quê hương của cách mạng, nơi được xem là Thủ đô kháng chiến với những dấu ấn lịch sử đã trở nên bất diệt với thời gian.
Cây đa Tân Trào lịch sử vẫn in đậm nơi núi rừng và lòng người nơi đây một lòng theo Đảng, theo Bác, theo Cách mạng. Lán Nà Nưa vẫn đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc đời của Bác, như nhắc các thế hệ con cháu nhớ đến một giai đoạn lịch sử gian nan nhưng oai hùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò xuất sắc của Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Công ty Xăng dầu Tuyên Quang, tiền thân là Chi cục vật tư tỉnh, ra đời ngày 1/12/1967 (thuộc Tổng cục Vật tư) từ niềm tự hào truyền thống của địa phương mình khi thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, cung ứng xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu… phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Gần 50 năm, từ một cửa hàng nhỏ lẻ, Công ty Xăng dầu Tuyên Quang đã lớn mạnh, có mặt khắp các địa bàn, huyện thị xa xôi, phục vụ cho nhân dân và cho việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Kinh doanh xăng dầu ở những huyện miền núi chưa bao giờ là đơn giản, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại nhỏ lẻ, manh mún, và còn một nghịch lý khác: ở những địa bàn càng xa xôi cách trở, địa hình khắc nghiệt, xăng càng bán nhiều - doanh nghiệp sẽ càng bị lỗ!
Chúng tôi mang theo niềm trăn trở ấy gặp anh Dương Tuấn Dũng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty xăng dầu Lào Cai và được anh giải thích: “Cái lỗ thứ nhất do chi phí vận chuyển, di chuyển càng xa, chi phí càng cao. Cái lỗ thứ hai do xăng vận chuyển lên vùng cao, thường khí hậu lạnh hơn nên xăng bị co lại, tổn thất số lượng so với lúc nhập nên ở vùng xa xôi, biên giới, xăng bán càng nhiều, càng lỗ là vậy”.
Cùng xem lại những thước phim vừa tác nghiệp
Theo chân những đoàn xe tec của Petrolimex băng những đoạn đường đèo dốc hiểm trở ấy để đến Bắc Hà, đến Simacai - vùng cao biên giới, địa hình phức tạp thuộc tỉnh Lào Cai. Đến tận những nơi này, vào các bản sâu, và chúng tôi hiểu vì sao các doanh nghiệp xăng dầu khác không đặt chân đến những vùng đất này. Con dốc Trung Đô khắc nghiệt đến nỗi từ lâu người dân đã đặt hai câu ca dao: “Khi đi nhớ dốc Trung Đô, Khi về thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Nhìn những đoàn xe tec è ạch leo dốc Trung Đô, chúng tôi tưởng như những chú ngựa chiến cõng trên lưng chữ P, nói cách khác, Petrolimex đã cõng trên lưng mình trách nhiệm đem xăng đến cho bà con vùng biên giới, mang cả yêu thương của người dân đồng bằng đến với vùng cao. Ở những nơi này, dường như không có khái niệm kinh doanh, nơi này là trách nhiệm cộng đồng, là lợi ích quốc gia, vì Nhân dân và Nhân dân là trên hết.
Nhưng Bắc Hà, Simacai chưa phải là những vùng đất gian nan, khắc nghiệt, xa xôi nhất mà Petrolimex đặt chân. Chúng tôi đã đồng hành cùng những chiếc xe tec đến điểm cực Bắc của Tổ quốc: Hà Giang!
Bài 2: Hà Giang, Tháng Ba biên giới ...