An toàn xăng dầu: Kinh nghiệm Petrolimex
Cháy nổ, đặc biệt là cháy nổ xăng dầu luôn là hiểm họa, không thể coi thường. Làm sao để một doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bảo đảm an toàn trong toàn bộ “dòng chảy” xăng dầu nhiều năm qua?
Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Vương Thái Dũng - Ủy viên (UV) Thường vụ Đảng ủy, TV HĐQT, Phó tổng giám đốc Petrolimex về chủ đề này nhân Tuần lễ ATLĐ - PCCN - VSMT. Kiến thức, kinh nghiệm trong công tác ATLĐ - PCCN - VSMT của doanh nghiệp xăng dầu có bề dày lịch sử nhất tại Việt Nam chắc chắn sẽ hữu ích cho việc bảo đảm an toàn kinh doanh xăng dầu cho nhiều doanh nghiệp.
“Mỗi CBCNV-NLĐ Petrolimex là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC”
PV: Thưa ông, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động - môi trường, phòng cháy chữa cháy và phòng chống cháy nổ (ATVS LĐ - MT, PCCC và PCCN), nói đến Petrolimex mọi người liên tưởng ngay đến câu “Mỗi CBCNV-NLĐ Petrolimex là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC”. Xin ông cho biết câu này ở đâu ra và nó có từ bao giờ?
Ông Vương Thái Dũng: Vâng, đúng câu này là của CBCNV Petrolimex. Nó xuất phát từ tổng kết thực tiễn công tác PCCC ở Petrolimex. Lâu dần, trở thành một câu khẩu hiệu - được tất cả CBCNV-NLĐ Petrolimex ghi nhớ, hưởng ứng.
Đây là thông điệp về tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mỗi người để bảo đảm ATVS LĐ - MT, PCCC và PCCN.
Chị biết đấy, xăng dầu là mặt hàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ và an toàn môi trường. Vì vậy nếu quản lý không tốt nó có để gây ra sự cố và thậm chí có thể là thảm họa làm thiệt hại về con người, tài sản và môi trường sống của chúng ta.
Vậy nên, Petrolimex xác định, mỗi CBCNV-NLĐ từ cấp lãnh đạo, quản lý đến trực tiếp sản xuất bên cạnh việc hiểu biết các quy định của luật PCCC, phải có kỹ năng thực hành hiệu quả khi xảy ra tình huống mất an toàn. Và điều quan trọng nhất là luôn có tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn.
Ông Vương Thái Dũng - UV Thường vụ Đảng ủy, TV HĐQT, Phó tổng giám đốc Petrolimex
PV: Thưa ông, thế còn “4 tại chỗ” thì sao ạ?
Ông Vương Thái Dũng: “4 tại chỗ” là phương châm chữa cháy được quy định trong Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Do vậy, nó liên quan đến tất cả mọi người, mọi tổ chức, doanh nghiệp; không riêng Petrolimex.
Nhưng ở Petrolimex, chúng tôi rất coi trọng nguyên tắc này, bởi: Thứ nhất, nếu như xăng dầu mà xảy ra cháy nổ, thì tốc độ cháy rất nhanh, khả năng phá hủy lớn. “4 tại chỗ” quan trọng ở tính kịp thời, chủ động ngăn chặn trước khi sự cố cháy trở thành một thảm họa. Thứ hai, rất nhiều cửa hàng xăng dầu (CHXD) Petrolimex nằm trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nếu xảy ra sự cố mất an toàn, việc chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu kịp thời là rất khó. Các lực lượng này thường nằm ở các trung tâm, khoảng cách di chuyển xa; và do đó, “4 tại chỗ” là tối ưu. “4 tại chỗ” rất quan trọng đối với công tác PCCC của Petrolimex chính là ở chỗ đó.
Quản lý 4 khâu: Tuyên truyền, đầu tư, huấn luyện và kiểm tra
PV: Là người phụ trách công tác này trên phạm vi toàn ngành, xin ông cho biết Tập đoàn quản lý công tác này như thế nào?
Ông Vương Thái Dũng: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam quản lý công tác ATVS LĐ - MT, PCCC và PCCN bằng tổng thể nhiều phương thức, giải pháp. Chị biết đấy, bảo đảm an toàn là điều kiện quan trọng hàng đầu cho hiệu quả sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Ở Petrolimex chúng tôi đặc biệt chú trọng 4 khâu.
Trước hết, chúng tôi ưu tiên công tác tuyên truyền vận động để tất cả CBCNV-NLĐ từ cơ quan Tập đoàn đến đơn vị thành viên, các cơ sở SX-KD hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Tuyên truyền là yếu tố đầu tiên vì suy cho cùng con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất, là chủ thể của các hoạt động. Tuyên truyền thì có nhiều hình thức, giải pháp khác nhau. Trong tuyên truyền, chúng tôi rất chú ý quan tâm gắn các phong trào thi đua lao động sản xuất với công tác ATVS LĐ - MT, PCCC và PCCN.
Thứ hai, là công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT). Bên cạnh việc đầu tư CSVCKT để trực tiếp phục vụ SX-KD cũng còn là để nâng cao hệ số an toàn, chúng tôi đầu tư CSVCKT chuyên dùng cho việc cảnh báo, ngăn ngừa, khắc phục các sự cố mất an toàn. Việc đầu tư được chú trọng đến tất cả các khâu của quá trình tồn chứa, xuất nhập, lưu thông vận chuyển đến tổ chức phân phối tại các cửa hàng.
Thứ ba, là công tác huấn luyện. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền, chỉ đầu tư, mà không huấn luyện thì như vậy rõ ràng là chưa đủ - khi sự cố xảy ra sẽ rất lúng túng. “Học đi đôi với hành” là vậy. Do đó, bên cạnh việc tập huấn kiến thức mới, chúng tôi thường xuyên tổ chức diễn tập ở các quy mô vùng và từng đơn vị cụ thể. Diễn tập là tạo lập tình huống giả định như thật để triển khai các lực lượng khắc phục sự cố. Diễn tập cho chúng ta thực tế kiểm định về các quy trình khắc phục sự cố; bên cạnh đó, nếu xảy ra sự cố thật thì CBCNV-NLĐ có đủ bình tĩnh, dũng cảm và có các kỹ năng thành thục để làm các công việc được phân công, tránh tình trạng sợ lửa (nếu không có diễn tập).
Cuối cùng là công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu như không kiểm tra rất khó để làm tốt công tác này. Kiểm tra thì có 2 cấp độ: Tập đoàn kiểm tra các đơn vị và các đơn vị tự kiểm tra. Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động tự kiểm tra của các đơn vị. Các đơn vị chủ động kiểm tra định kỳ, đột xuất để xác định tính sẵn sàng của người và thiết bị. Kiểm tra cũng giúp kịp thời phát hiện những sơ hở, sơ suất (nếu có) để khắc phục ngay. Bên cạnh đó, Petrolimex còn kết hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC & CHCN) Bộ Công An để lập đoàn đi kiểm tra các đơn vị thành viên Petrolimex; các đơn vị thành viên Petrolimex thì kết hợp với Sở/Phòng cảnh sát PCCC & CNCH (PC 66) các địa phương để kiểm tra các cơ sở SX-KD tại đơn vị mình. Việc kết kiểm tra này có cái lợi là: Tính chuyên nghiệp của lực lượng cán bộ chiến sĩ quản lý PCCC cao; bên cạnh đó, nắm được thực tế tại Petrolimex phục vụ tốt hơn cho công tác phối hợp khi sự cố xảy ra.
Ứng dụng tiến bộ KH-KT và phát huy sáng kiến, cải tiến của CBCNV-NLĐ
Ông Vương Thái Dũng: Nói về công tác ATVS LĐ - MT, PCCC và PCCN ở Petrolimex, tôi muốn nhấn mạnh một đặc điểm nữa là nỗ lực lao động sáng tạo và tinh thần trách nhiệm xã hội của đội ngũ CBCNV-NLĐ phụ trách công tác này.
Bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhiều sáng kiến, giải pháp của Petrolimex đã được áp dụng, điển hình là: Hệ thống thu hồi hơi xăng dầu tại các CHXD. Petrolimex là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đã lắp đặt hệ thống thu hồi hơi tại tất cả các CHXD. Hệ thống này đã góp phần giảm thiểu đáng kể lượng xăng dầu bay hơi tự nhiên phát tán ra môi trường, bảo vệ môi trường và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Rồi đến thiết bị chống tĩnh điện đang được triển khai đồng bộ trong Tập đoàn. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng hệ thống chữa cháy cố định tại các CHXD, dự kiến cuối tháng 3/2014 sẽ thử nghiệm. Từ kết quả thử nghiệm chúng tôi sẽ triển khai áp dụng trong toàn hệ thống các CHXD của Petrolimex.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng rất tích cực trong việc soát xét, rà soát các quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường.
“An toàn” là mục tiêu, kết quả của sự nỗ lực, phối hợp và tinh thần trách nhiệm
PV: Sự phân chia nào trong công tác quản lý trong từng lĩnh vực như: công tác an toàn lao động, an toàn môi trường và PCCC và phòng chống cháy nổ? Và thế nào hiểu mạch lạc về các lĩnh vực này?
Ông Vương Thái Dũng: Tất cả các công tác chị nhắc đến trên đây đều liên quan đến nhau và nhằm 1 mục đích duy nhất đó là “an toàn”.
“An toàn” là một nghĩa rộng gồm nhiều lĩnh vực và là kết quả của nhiều hoạt động, nó liên quan mật thiết, hữu cơ với nhau trong công tác quản lý.
Trong an toàn, điều trước tiên và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho con người. Sức khoẻ, tính mạng con người là quý giá nhất đối với bản thân người lao động, với gia đình họ, với doanh nghiệp và nói rộng ra là với cả xã hội.
Tiếp đó là tài sản doanh nghiệp gồm hệ thống CSVCKT, hàng hóa, hiệu quả SX-KD; rồi xã hội và môi trường sống.
Bất cứ một sự cố nào đều có thể ảnh hưởng đến các yếu tố trên. Phân chia nó ra như vậy để mang tính chuyên sâu, mang tính nghiệp vụ trong quản lý hoạt động này. Trên thực tế, mọi việc liên quan rất chặt chẽ với nhau; không chỉ chú trọng mặt nọ mà lơ là, mất cảnh giác hoặc coi nhẹ mặt kia.
PV: Các tin đưa tại website Petrolimex cho thấy có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Tập đoàn với Tổng cục PCCC và các PC 66 các địa phương, sự phối hợp này dựa trên nền tảng nào?
Ông Vương Thái Dũng: Vâng đúng. Hàng năm Petrolimex và Cục Cảnh sát PCCC và CHCN đều ký kết chương trình phối hợp công tác để chúng tôi triển khai công tác đảm bảo an toàn. Chương trình phối hợp này đều có tổng kết và đánh giá kết quả.
Đây là sự phối hợp xuất phát từ nhu cầu của cả 2 bên. Sự phối hợp này giữa Petrolimex và Cục Cảnh sát PCCC & CHCN không phải giờ mới có. Quan hệ này có trong suốt cả quá trình xây dựng phát triển của Tập đoàn.
Petrolimex rất trân trọng sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ hiệu quả của lực lượng Cảnh sát PCCC & CHCN trên toàn quốc.
PV: Trên thực tế, đã bao giờ Petrolimex ứng cứu chữa cháy giúp các đơn vị ngoài xã hội (không phải là đơn vị thành viên Petrolimex) ví như nhà dân, các công trình SX-KD của các doanh nghiệp khác chưa? Xin ông kể cho một vài ví dụ điển hình nhất.
Ông Vương Thái Dũng: Có. Rất nhiều. Tôi không liệt kê hết được. Xin đơn cử mấy trường hợp sau: Vụ cháy rừng tại Quảng Ninh - lực lượng PCCC của Công ty Xăng dầu B12 đã tham gia, vụ cháy chợ ở Hải Dương - lực lượng PCCC của Công ty Xăng dầu B12 tại Hải Dương cũng đã tham gia, một số vụ tràn dầu ở các kho xăng dầu tại khu vực Đà Nẵng (không phải của Petrolimex) - lực lượng PCCC của Công ty Xăng dầu Khu vực V đã tham gia.
Điều quan trọng là sự tham gia của Petrolimex rất kịp thời, hiệu quả; được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
PV: Một câu thôi, thì ông sẽ nói gì với tất cả mọi người (CBCNV-NLĐ PLX và xã hội) về đề tài này?
Ông Vương Thái Dũng: Tuần lễ quốc gia về ATLĐ-PCCN-VSMT là một dịp để mỗi chúng ta nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác an toàn, từ nhận thức sẽ chuyển thành ý thức và thành hành động của tất cả chúng ta về công tác đảm bảo an toàn vì sức khỏe, hạnh phúc của người lao động, vì hoạt động SXKD hiểu quả và phát triển bền vững của doanh nghiêp.
Nhân Tuần lễ Quốc gia về ATLĐ - PCCN – VSMT năm nay, thay mặt Ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, qua Tạp chí Công Thương, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả người lao động Petrolimex đã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt công tác ATLĐ - PCCN - VSMT, góp phần dựng xây Petrolimex hoạt động hiệu quả.