“Ai trân trọng gìn giữ được sự tín nhiệm của khách hàng thì người đó tiến xa hơn”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương xung quanh vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết:
Một văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu dù có được biên soạn kỹ càng đến đâu thì khi đưa vào cuộc sống cũng cần thêm một vế nữa mới hoàn chỉnh - đó là đạo đức kinh doanh.
Ông Trần Ngọc Năm |
Thời gian qua, nổi lên một số hiện tượng về gian lận trong bán lẻ xăng dầu, từ góc độ doanh nghiệp, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Ông Trần Ngọc Năm:Tôi cho rằng: Doanh nghiệp gian lận trong kinh doanh xăng dầu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh so với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Gian lận là hành vi đáng bị phê phán, xét từ mọi góc độ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm ăn gian lận thì sẽ không được bền.
Khi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp làm ăn gian lận thì rõ ràng là doanh nghiệp đó không thể phát triển bền vững được.
Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Trần Ngọc Năm:Nguyên nhân của hiện tượng gian lận, suy cho cùng, thì ở chính doanh nghiệp có hành vi gian lận.
Nếu người lao động (người làm công ăn lương theo hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp) thực hiện hành vi gian lận thì đó là nguyên nhân cá nhân, nhưng chắc chắn không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp nơi người lao động đó làm việc.
Nếu chủ doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận thì điều này trầm trọng hơn bởi khi tham gia vào kinh doanh xăng dầu chủ doanh nghiệp đã biết rõ đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Theo ông, việc quản lý hệ thống đại lý, tổng đại lý theo thông tư 36/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP liệu đã đủ hiệu lực để quản lý chất lượng xăng dầu trong tình hình hiện nay?
Ông Trần Ngọc Năm:Một văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu dù có được biên soạn kỹ càng đến đâu thì khi đưa vào cuộc sống cũng cần thêm một vế nữa mới hoàn chỉnh - đó là đạo đức kinh doanh.
Chúng ta có hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật; bên cạnh đó, còn có sự giám sát thường xuyên, liên tục của người tiêu dùng.
Chúng tôi nghĩ rằng, với số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhiều như hiện nay thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một địa chỉ tin cậy để mua xăng dầu.
Quyết định mua cái gì, khi nào và ở đâu - đó chính là quyền cao nhất của người tiêu dùng mà không một doanh nghiệp nào có thể áp đặt được.
Trong kinh doanh, ai trân trọng gìn giữ được sự tín nhiệm của khách hàng thì người đó tiến xa hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nếu chủ doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận thì điều này trầm trọng hơn bởi khi tham gia vào kinh doanh xăng dầu chủ doanh nghiệp đã biết rõ đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. |